Bảo đảm quyền lợi khi ở nội trú cho sinh viên Đại học Thái Nguyên

Trong những năm 2010, Ðại học Thái Nguyên được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ xây dựng khu nội trú tập trung với 16 tòa nhà cao 5 tầng khang trang, có tổng số 393 phòng ở. Nếu bố trí bình quân sáu sinh viên/phòng, khu nội trú giải quyết chỗ ở cho 2.350 sinh viên. Những năm qua, Ðại học Thái Nguyên giao cho mỗi trường thành viên quản lý, sử dụng một số tòa nhà trong khu nội trú để bố trí chỗ ở cho sinh viên của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nội trú cho sinh viên Ðại học Thái Nguyên.
Khu nội trú cho sinh viên Ðại học Thái Nguyên.

Cụ thể, Trường đại học Nông-Lâm Thái Nguyên được giao sáu tòa, Trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh được giao bốn tòa, Trường đại học Khoa học được giao ba tòa... mỗi tòa nhà lại giao cho một, hai cán bộ quản lý, điều hành. Tổng số sinh viên đang ở tại khu nội trú tập trung là hơn 1.800 sinh viên, còn khoảng hơn 500 chỗ không có người ở.

Ðáng chú ý, Trường đại học Y-Dược Thái Nguyên hiện có hơn 10.000 sinh viên đại học và học viên sau đại học, nhưng lại không được phân tòa nhà nào trong khu nội trú tập trung nên nhiều sinh viên phải đi thuê chỗ ở bên ngoài. Trong khi đó, Trường đại học Nông-Lâm Thái Nguyên mỗi năm chỉ tuyển được từ 20%-30% chỉ tiêu thì lại được phân đến sáu tòa nhà nên sử dụng không hết.

Ðáng nói là việc phân cho mỗi trường quản lý vài tòa nhà trong khu nội trú tập trung dẫn đến “cát cứ”, có trường làm hàng rào chung quanh ký túc xá của mình để bảo đảm an ninh riêng, bố trí kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng ký túc xá; có trường không có kinh phí sửa chữa nên ký túc xá xuống cấp, không làm hàng rào bảo vệ riêng dẫn đến mất an ninh, có năm xảy ra 30 vụ người bên ngoài vào trộm cắp xe máy, tài sản sinh viên, làm mất an ninh nên sinh viên không yên tâm. Trong điều kiện tự chủ đại học, ký túc xá trường nào trường ấy tự lo, chưa có đơn vị quản lý thống nhất nên cảnh quan xuống cấp, mất vệ sinh.

Ở nhiều tòa nhà, vẫn còn tình trạng thiết bị điện, phòng cháy chữa cháy không được sửa chữa, bảo dưỡng. Rãnh thoát nước chung quanh một số tòa nhà không được xử lý dẫn đến đọng nước, nắp đậy rãnh nước bị mất, hư hỏng không được thay thế; hành lang, vỉa hè, sân ký túc xá xuống cấp, cỏ dại mọc.

Hồ điều hòa tạo cảnh quan, môi trường tại trung tâm khu nội trú không trữ được nước, cạn trơ đáy, rác rưởi vương vãi làm mất mỹ quan. Một diện tích đất không nhỏ được cho tư nhân thuê 30 năm để xây dựng nhà dịch vụ sinh viên, nhưng do tổ chức hoạt động kém, phục vụ không hiệu quả, cơ sở vật chất xuống cấp nên sinh viên không sử dụng, gần như bỏ hoang.

Trưởng ban Công tác Học sinh-Sinh viên (Ðại học Thái Nguyên) Nguyễn Tất Thắng chia sẻ: “Thống kê ban đầu tại 10 tòa ký túc xá, có hơn 40 phòng ở xuống cấp nên phải để trống; cơ sở vật chất nhiều phòng xuống cấp nghiêm trọng, nhất là bóng điện, quạt, vòi nước, chậu rửa, sen tắm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho sinh viên hư hỏng. Nguyên nhân dẫn đến nhiều ký túc xá trong khu nội trú xuống cấp là do mỗi trường được giao quản lý, sử dụng vài tòa nhà, mức độ quan tâm không đồng đều, kinh phí rất hạn hẹp nên duy tu, sửa chữa chắp vá, tình thế hoặc không có kinh phí sửa chữa”.

“Với quan điểm lấy người học là trung tâm, là điểm nhấn, chúng tôi chủ trương thu hồi toàn bộ khu nội trú về Ðại học Thái Nguyên để có điều kiện tập trung đầu tư sửa chữa; củng cố về tổ chức, thành lập Ban Quản lý khu nội trú, ban hành quy chế hoạt động để thống nhất quản lý, thuê bảo vệ chuyên nghiệp để giữ gìn an ninh”.

PGS, TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Ðại học Thái Nguyên

Thực hiện chủ trương này, thời gian qua hầu hết các trường thành viên đã chuyển giao ký túc xá về Ðại học Thái Nguyên quản lý, tổ chức khai thác tập trung. Ðặc biệt, sau khi Ðại học Thái Nguyên thuê bảo vệ khu nội trú thì tình trạng người bên ngoài vào trộm cắp tài sản của sinh viên giảm hẳn, an ninh trật tự dần đi vào ổn định.

Sau khi thu hồi, quản lý khu nội trú tập trung, Ðại học Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện cảnh quan, môi trường tại một số khu vực. Em Hà Trọng Khôi, sinh viên Trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh cho biết: “Ký túc xá có hai loại phòng, bên cạnh phải trả tiền điện, nước, phí ở phòng thường là 100 nghìn đồng/sinh viên/tháng (tối đa tám người); phòng tiêu chuẩn (có điều hòa nhiệt độ) là 200 nghìn đồng/sinh viên/tháng (ở tối đa sáu người)”.

Tuy nhiên, PGS, TS Nguyễn Hưng Quang, Hiệu trưởng Trường đại học Nông-Lâm Thái Nguyên chia sẻ: “Sinh viên Trường đại học Nông-Lâm Thái Nguyên ngày càng ít, mỗi năm tuyển sinh chỉ đạt 20- 30% chỉ tiêu. Ðể thu hút sinh viên, thời gian vừa qua chúng tôi miễn, giảm phí ký túc xá từ sáu tháng đến một năm. Thời gian tới, Ðại học Thái Nguyên cần có chính sách ưu tiên về chỗ ở đối với sinh viên nông-lâm nghiệp để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực các ngành này cho các tỉnh miền núi”.