Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng ở Bạc Liêu

NDO - Ngày 8/8, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, làm trưởng đoàn, đã tiến hành việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 tại tỉnh Bạc Liêu.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Dự buổi làm việc với Đoàn giám sát, có các đồng Lữ văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, cùng các thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng ở Bạc Liêu ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đại biểu thăm một số dự án điện gió của tỉnh Bạc Liêu.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết: Thời gian qua, phát triển năng lượng, nhất là phát triển năng lượng tái tạo đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Đến nay, Bạc Liêu có 10 dự án Nhà máy điện gió đã và đang được đầu tư, với tổng công suất hơn 660 MW, trong đó đã hoàn thành đưa vào hoạt động 8 dự án, với tổng công suất hơn 469 MW (đứng thứ 3 trong cả nước), tổng sản lượng điện gió đến nay đạt trên 3,35 tỷ kWh, mang lại những hiệu quả kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh rất rõ ràng, nhất là tăng nguồn điện sạch, an toàn, thân thiện môi trường.

Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thực hiện 2 dự án điện gió với tổng công suất là 191 MW. Đến cuối tháng 6 năm 2023, Bạc Liêu có 1.615 hệ thống điện mặt trời áp mái, với tổng công suất gần 184 MW, tổng sản lượng các hệ thống điện mặt trời mái nhà đạt khoảng 553 triệu kWh/năm. Đặc biệt, dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW đang trong quá trình hoàn chỉnh thủ tục để khởi công dự án.

Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ sớm xem xét ban hành cơ chế giá điện về lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); sớm sửa đổi nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, nhất là các nội dung quy định mức chiết khấu, vấn đề đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu yên tâm hoạt động.

Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, hạn chế tối đa việc cắt giảm công suất các Nhà máy điện gió và các hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất trên 100 kWp; sớm đầu tư các dự án lưới điện 110 kV, 220 kV, 500 kV đồng bộ với các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo giải tỏa hết công suất các dự án nhà máy điện gió trong thời gian tới.

Riêng đối với dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị sớm ban hành Quyết định chủ trương đầu tư dự án đường dây 500KV từ Bạc Liêu đi Thốt Nốt (Cần Thơ) theo Quy hoạch điện VIII; cam kết đảm bảo thời điểm nhà máy được đấu nối lên lưới điện quốc gia theo tiến độ đưa nhà máy vào vận hành năm 2027; cam kết đảm bảo EVN mua điện của dự án để nhà đầu tư có tiền trả nợ vốn vay quốc tế.

Cùng với đó, phê duyệt “Bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư” theo quy định Điều 11 Luật Đầu tư và Điều 3 Nghị định 31 năm 2021 của Chính phủ.

Các thành viên của Đoàn giám sát cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Bạc Liêu đã có những trao đổi về tình hình cung cầu năng lượng; tác động môi trường tại các nhà máy điện gió; việc tích hợp phương án phát triển điện lực vào Quy hoạch chung của tỉnh; tình hình thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; các dự án năng lượng chậm tiến độ trên địa bàn cũng như những khó khăn, vướng mắc trong xử lý ….

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã chuẩn bị chu đáo các nội dung phục vụ buổi làm việc. Hoan nghênh tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhằm triển khai chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện các quy hoạch năng lượng phù hợp các văn bản pháp luật của Trung ương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của địa phương cũng như khu vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc phát triển năng lượng tái tạo và dịch chuyển năng lượng hiện nay đang trong giai đoạn đầu, còn khó khăn về khả năng hấp thụ năng lượng tái tạo của hệ thống điện quốc gia, chưa có quy chuẩn về mức độ duy trì ổn định công suất, điện năng phát lên lưới điện và chưa có quy định yêu cầu về tích trữ điện năng dự phòng trong các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng ở Bạc Liêu ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều báo cáo thuận lợi, khó khăn, vướng mắc các dự án điện gió của tỉnh với Đoàn giám sát.

Các dự án năng lượng gió, mặt trời sử dụng mặt bằng khá lớn cũng sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực khác nhau đến môi trường. Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, tuy nhiên cơ chế về giá điện về lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) chưa được ban hành nên chưa thể triển khai các dự án.

Về vấn đề xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý. Tỉnh Bạc Liêu cần tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Báo cáo kết quả giám sát và gửi lại trước ngày 15/8/2023.

Trước đó, sáng 8/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn giám sát đã làm việc với lãnh Nhà máy dự án điện gió Hòa Bình 5 và Hòa Bình 1 nằm trên địa bàn huyện Hòa Bình (Bạc Liêu).

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp kiến nghị với Đoàn giám sát xem xét ưu tiên cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ để đảm bảo việc vận chuyển vật tư xây dựng công trình; đầu tư Bến cảng tổng hợp để vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng; sớm đầu tư tuyến truyền tải điện 500kV theo Quy hoạch Điện VIII đã được duyệt để truyền tải toàn bộ công suất nguồn của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu từ nay đến năm 2030.