Giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm dự kiến sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 các chỉ tiêu kinh tế-xã hội hằng năm được Thành phố giao và dự kiến hoàn thành cả nhiệm kỳ so với kế hoạch Hội đồng nhân dân huyện đã quyết nghị. Một số chỉ tiêu vượt kế hoạch như: cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành chuyển đổi theo hướng tích cực, đúng hướng; dự kiến đến hết năm 2025 ngành dịch vụ chiếm 52% trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người dự kiến hết năm 2025 đạt 85,3 triệu đồng/người/năm (kế hoạch là 80 triệu đồng/người)…
Đề cao tính hiệu quả, thiết thực trong hoạt động chất vấn, giám sát
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả khá toàn diện đáp ứng tiến độ, các chỉ tiêu yêu cầu. Công tác lập quy hoạch phân khu đô thị đối với khu vực định hướng mở rộng phát triển đô thị được tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Huyện đã phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh 44 hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc; phê duyệt 10 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết; 23 hồ sơ chỉ giới đường đỏ; cung cấp thông tin quy hoạch cho 460 tổ chức, cá nhân.
Tính đến hết năm 2023, toàn huyện có 74/79 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 93,7% (xếp thứ 2 toàn thành phố); an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Đến hết năm 2023 đã có 20/20 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, vượt kế hoạch đề ra. Hiện huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định huyện nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính được quan tâm, triển khai có hiệu quả. Chỉ số cải cách hành chính tăng dần hằng năm, năm 2023 xếp thứ 11/30 quận, huyện (năm 2022 đứng 14/30 quận, huyện, thị xã); chỉ số SIPAS năm 2023 đứng thứ 2/30 quận, huyện, tăng 7 bậc so với năm 2022.
Ghi nhận ghi nhận những nỗ lực của huyện Gia Lâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị huyện Gia Lâm đánh giá cụ thể hiệu quả thực chất với các chỉ tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu về xử lý môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phát triển du lịch xanh gắn với làng nghề; thúc đẩy tỷ lệ cây xanh, giao thông tĩnh và làm rõ các dự án chậm triển khai...
Thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị huyện đánh giá chất lượng thực tế đối với các chỉ tiêu hoàn thành như: tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý; việc triển khai thực hiện các mô hình phát triển nông nghiệp…
Hiện nay, tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công của huyện còn chậm, khả năng hấp thụ vốn khó khăn. Áp lực giải ngân vốn trung hạn của huyện đến hết năm 2025 rất lớn, còn đến 4.800 tỷ đồng, chiếm 46,8% tổng kế hoạch vốn trung hạn. Đoàn giám sát đề nghị huyện làm rõ kế hoạch, giải pháp để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn; định hướng, giải pháp để khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.