Thời gian vừa qua, sử dụng nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình, cung cấp vật tư, cây, con giống để phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, các chương trình này cũng hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo và dạy nghề, giới thiệu việc làm, kết nối cung-cầu lao động, hỗ trợ về tín dụng đi lao động ở nước ngoài để giải quyết việc làm, tăng thu nhập; thực hiện các chính sách về an sinh như mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ khi ốm đau nằm viện, miễn giảm học phí.
Qua đó, mỗi năm có hàng nghìn hộ thoát nghèo, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn hơn 3%, thuộc diện thấp nhất ở các tỉnh Vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
Trong hầu hết các trường hợp, cùng với sự hỗ trợ trực tiếp về cây, con giống, kiến thức, vật tự, người được hỗ trợ chịu khó lao động, vun trồng, chăm sóc cho cây, con giống, sản phẩm làm ra bán được và bán được giá; thu được vốn lại quay vòng đầu tư tăng quy mô sản xuất nên đã thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Đây là mục tiêu tạo sinh kế cho hộ nghèo và cận nghèo.
Thời gian vừa qua, ở một vài cơ sở, có hiện tượng cán bộ và cơ quan chức năng chỉ quan tâm các công việc liên quan đến thủ tục, hồ sơ, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, lựa chọn cây-con giống, chỉ định thầu, đấu thầu, bàn giao cây- con giống, vật tư cho người dân, sau một thời gian quy định thì hoàn thiện hồ sơ để thanh, quyết toán theo quy định mà chưa thật sự quan tâm sâu sát hiệu quả hỗ trợ mang tính chất lâu dài.
Hỗ trợ hiệu quả, số hộ nghèo giảm nhanh
Như việc hỗ trợ trâu, bò sinh sản, sau khi giao cho hộ nghèo, cận nghèo chăn nuôi sáu tháng hoặc một năm, người dân coi đây thời gian “bảo hành”, trâu-bò phát triển bình thường là tiến hành hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán. Hoặc hỗ trợ gà giống, sau khoảng ba tháng là hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng, coi như đã hoàn thành công việc, chưa biết người dân bán gà có được giá hay không, hoặc vốn tiền thu được có tái đầu tư chăn nuôi gà để duy trì sinh kế giảm nghèo bền vững hay không.
Có nhiều trường hợp, giá bán gà thấp, hoặc sau khi bán thì xuất hiện dịch bệnh nên người dân không tái chăn nuôi nữa, tiền thu được đưa vào tiêu dùng. Hoặc nhiều con trâu, bò chậm phát triển, chậm sinh sản, sau vài ba năm mới sinh bê, nghé, sau đó phải nuôi ít nhất là khoảng một năm mới xuất bán được, khi đó mới có thu nhập.
Mặt khác, đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo giảm thấp, nhưng cũng như nhiều địa phương khác, các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều rơi vào một trong các trường hợp đặc biệt, như mắc tệ nạn xã hội, không có sức lao động, không có đất sản xuất, tàn tật, lười lao động... nên không thể một, hai năm có thể thoát được nghèo.
Trong khi đó, đầu năm, hoặc năm trước được hỗ trợ trâu, bò, gà hoặc cây trồng, thì cuối năm nhất định phải giảm tỷ lệ hoặc số hộ nghèo, nhưng thực tế thì chưa phải, vì trong rất nhiều trường hợp, trâu, bò đã sinh sản đâu mà có thu nhập, gà bán rồi không tái đàn nữa; cây ăn quả trồng mới chỉ mang tính chất tự cấp, chưa bán được.
Áp lực từ nhiều phía, thậm chí có cả bệnh thành tích nên có địa phương đề ra mục tiêu trong năm, đến cuối năm phải giảm bao nhiêu hộ nghèo, “ép” xuống phải giảm đến tỷ lệ hộ nghèo phù hợp, thu nhập đạt yêu cầu để địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Việc đề ra chỉ tiêu để phấn đấu, có giải pháp tổ chức triển khai thực hiện là cần thiết.
Tuy nhiên, khi bình xét, cần căn cứ vào thực chất, thực tế, hộ nào có sinh kế, thu nhập mang tính bền vững, thực sự thoát nghèo thì đưa ra khỏi diện hộ nghèo, tránh tình trạng “xầm xì” trong làng xã là được “cho” con trâu, bò năm trước thì năm sau đưa ra khỏi diện hộ nghèo, hoặc nhà ấy, nhà nọ mà thuộc diện nghèo.