Giải quyết gánh nặng nhân đạo tại Afghanistan

Liên hợp quốc vừa tổ chức cuộc họp thứ hai về tình hình Afghanistan trong chưa đầy một năm qua. Cuộc khủng hoảng nhân đạo và vấn đề nhân quyền, nhất là quyền của phụ nữ và trẻ em gái, là nội dung chính mà các đại biểu tập trung thảo luận để cộng đồng quốc tế chung tay tìm giải pháp hỗ trợ quốc gia Nam Á vượt qua khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ và con gái của họ ở Afghanistan nhận được bộ dụng cụ hỗ trợ trong mùa đông từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc thời gian trước đây. Ảnh: UNICEF
Phụ nữ và con gái của họ ở Afghanistan nhận được bộ dụng cụ hỗ trợ trong mùa đông từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc thời gian trước đây. Ảnh: UNICEF

Cuộc họp do Liên hợp quốc triệu tập diễn ra ở thủ đô Doha của Qatar từ ngày 18 đến 19/2, quy tụ các đặc phái viên của các nước và khu vực đến thảo luận về tình hình tại Afghanistan. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chủ trì cuộc họp này.

Bên cạnh việc trao đổi về vấn đề gia tăng sự phối hợp giữa cộng đồng quốc tế với Afghanistan để giải quyết các khó khăn mà quốc gia Nam Á đang đối mặt, cuộc họp cũng xem xét các khuyến nghị trong báo cáo đánh giá độc lập của Liên hợp quốc về Afghanistan, trong đó có đề nghị Taliban thay đổi chính sách với nữ giới.

Afghanistan đang cận kề bờ vực thảm họa nhân đạo tồi tệ khi mất an ninh lương thực trầm trọng. Báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, có tới 69% dân số Afghanistan đối mặt tình trạng thiếu nhu yếu phẩm.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền tại Afghanistan, ông Richard Bennett kỳ vọng rằng cuộc họp ở Doha tạo cơ sở cho việc tổ chức một loạt hội nghị có ý nghĩa giữa các bên liên quan về bảo đảm quyền cho phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, các đại biểu đều mong muốn đất nước Afghanistan có được hòa bình, có thể “đảm nhận các nghĩa vụ quốc tế của một quốc gia có chủ quyền”. Taliban đã không cử đại diện tham gia cuộc họp ở Doha với lý do Liên hợp quốc không chấp nhận các điều kiện của họ liên quan vấn đề viện trợ.

Afghanistan đang cận kề bờ vực thảm họa nhân đạo tồi tệ khi mất an ninh lương thực trầm trọng. Báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, có tới 69% dân số Afghanistan đối mặt tình trạng thiếu nhu yếu phẩm.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nền kinh tế Afghanistan suy giảm hơn 20% vào năm 2021 và hơn 6% vào năm 2022, một phần nguyên nhân là do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

Theo Liên hợp quốc, kể từ khi xảy ra trận động đất mạnh tàn phá miền tây nước này hồi tháng 10/2023 đến nay, vẫn còn gần 100.000 trẻ em tại các khu vực bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ.

Tình hình khó khăn chồng chất trong nước đã khiến làn sóng tị nạn của người dân Afghanistan gia tăng. Văn phòng Bảo vệ Người tị nạn và người không quốc tịch (OFPRA) tại Pháp cho biết, năm 2023, số người xin tị nạn ở Pháp cao kỷ lục, tăng hơn 8% so với năm 2022; trong đó, quốc gia có số người nộp đơn xin tị nạn cao nhất là Afghanistan. Đây cũng là năm thứ sáu liên tiếp số người tị nạn đến từ Afghanistan đứng đầu danh sách.

Nguồn viện trợ tài chính từ nước ngoài là yếu tố quan trọng để quốc gia đang đối mặt khủng hoảng nhân đạo như Afghanistan có thể giải quyết khó khăn, cứu sống người dân. Tuy nhiên, từ khi lên nắm quyền ở Afghanistan, Taliban áp đặt những quy định hạn chế hà khắc với phụ nữ đã khiến nhiều nước, tổ chức quốc tế cắt giảm viện trợ cho nước này.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết, sự cải thiện những chính sách đối với phụ nữ là yếu tố quyết định nếu chính quyền Taliban ở Afghanistan muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước trên thế giới. Thực tế những năm qua cho thấy, quốc gia Nam Á không thể có được sự phục hồi kinh tế, xã hội bền vững nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế và đời sống cộng đồng.

Ban điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã chấp thuận cách tiếp cận mới trong hỗ trợ Afghanistan, theo đó có thể cấp khoảng 300 triệu USD trong 15 tháng tới để giúp khôi phục các dịch vụ cơ bản tại nước này.

Khoản tài chính trên trích từ Quỹ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB dành cho các nước nghèo. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên nguồn vốn của WB được cấp cho Afghanistan kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021.

Nhằm góp phần giải quyết vấn đề nhân đạo ở Afghanistan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo sẽ khởi động tham vấn về việc bổ nhiệm một đặc phái viên của Liên hợp quốc, giúp điều phối mối quan hệ giữa Taliban với cộng đồng quốc tế và tìm ra các giải pháp để làm việc hiệu quả hơn với Taliban.

Liên hợp quốc cũng kêu gọi thế giới kiên trì thúc đẩy sự thay đổi ở Afghanistan, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và đầu tư vào các giải pháp dài hạn cho quốc gia Nam Á này.