Khủng hoảng ngân sách cho hoạt động nhân đạo

Xung đột, biến đổi khí hậu và bất ổn tài chính đã khiến nhu cầu nhân đạo toàn cầu tăng lên mức kỷ lục. Tuy nhiên, nguồn ngân sách eo hẹp đang là thách thức lớn, cản trở việc triển khai công tác cứu trợ tại nhiều điểm nóng bạo lực, thiên tai trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Đội tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ Bộ Công an hoàn thành nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, về đến sân bay quốc tế Nội Bài.
Đội tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ Bộ Công an hoàn thành nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, về đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Thời gian qua, cụm từ “khủng hoảng nhân đạo” và những lời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ người dân nhiều khu vực được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế liên tục đề cập. Tại phiên họp mới đây của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, nhu cầu nhân đạo toàn cầu đã phá vỡ các kỷ lục từng được thiết lập trong quá khứ. Theo đó, 360 triệu người dân trên thế giới đang cần được hỗ trợ, tăng 30% so mức của đầu năm 2022. Ngoài ra, hơn 110 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, 260 triệu người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều người dân trên thế giới lâm vào tình cảnh bi đát nêu trên là do các cuộc xung đột mới không ngừng nổ ra, trong khi những vũng lầy xung đột kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, dân thường vô tội đang phải trả một cái giá quá đắt khi các bên tham gia xung đột vi phạm luật pháp quốc tế, tấn công bệnh viện, trường học và cơ sở hạ tầng quan trọng. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tình trạng biến đổi khí hậu cũng giáng thêm những đòn nặng nề vào nhóm người dễ bị tổn thương.

Thật vậy, xung đột giữa quân đội chính phủ và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tại Sudan, bùng phát tháng 4 vừa qua, đã khiến hơn 2,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, cũng như châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Tại Syria, cuộc khủng hoảng dai dẳng kéo dài hơn 10 năm qua đã khiến 12 triệu người phải di dời, trong đó 5,4 triệu người xin tị nạn ở các nước láng giềng.

Liên hợp quốc ước tính, 90% người Syria ở lại đất nước của họ phải sống trong cảnh nghèo đói, trong khi 60% người bị mất an ninh lương thực. Syria cũng chịu hậu quả nặng nề từ trận động đất dữ dội hồi tháng 2/2023 và vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) cho biết, khả năng có tới 30 triệu người sẽ cần được hỗ trợ lương thực trên khắp Đông Phi và vùng Sừng châu Phi trong năm 2023. Số người dân thiếu lương thực trong khu vực đang ở mức cao chưa từng có, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, xung đột và mất an ninh, cũng như các cú sốc kinh tế.

Tình trạng tại Sudan, Syria, khu vực Sừng châu Phi chỉ là một số gam màu xám trong tổng thể bức tranh u ám về tình hình nhân đạo trên toàn thế giới. Bức tranh đó còn bao gồm các điểm nóng tại Afghanistan, khu Bờ Tây, Haiti, Yemen… Thực trạng nêu trên đặt Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trước thách thức lớn trong việc duy trì kinh phí cho nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này mới chỉ nhận được 20% kinh phí cần thiết cho hoạt động nhân đạo trong nửa đầu năm 2023.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng về ngân sách, việc cắt giảm hơn nữa cứu trợ nhân đạo là điều khó tránh khỏi. Trên thực tế, giữa tháng 6 vừa qua, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thông báo sẽ giảm khoảng một nửa viện trợ lương thực dành cho Syria do thiếu kinh phí. Thông báo của WFP nêu rõ, khủng hoảng nguồn kinh phí buộc cơ quan này phải cắt giảm hỗ trợ cho 2,5 triệu người trong số 5,5 triệu người Syria đang cần được giúp đỡ. Nếu tiếp tục cung cấp cho 5,5 triệu người, WFP sẽ cạn kiệt lương thực vào tháng 10 tới.

Thực tế cho thấy, hoạt động nhân đạo đã góp phần quan trọng giúp nhiều người dân trên thế giới vượt qua khó khăn do xung đột, thiên tai và khủng hoảng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, viện trợ nhân đạo những năm gần đây giúp ngăn chặn nạn đói ở Somalia, Afghanistan và vùng Sahel. Khoảng 15,4 triệu người ở Ukraine được hỗ trợ trong năm 2022. Kể từ đầu năm 2023, 17 triệu người ở Afghanistan, 2,8 triệu người ở Nigeria và 2,5 triệu người ở Cộng hòa Dân chủ Congo được giúp đỡ. Để nhịp cầu nhân đạo này tiếp tục được nối dài, Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi các nhà tài trợ tăng nguồn lực hỗ trợ; đồng thời khẳng định, thế giới cần nỗ lực hơn nữa nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến các cuộc khủng hoảng.