Dự án Quảng trường biển Sầm Sơn (Dự án) có diện tích 15 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, nằm trong quy hoạch Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn do Tập đoàn Sun Group là chủ đầu tư.
Theo quyết định chủ trương đầu tư, tổng số hộ dân có liên quan khi thực hiện Dự án và trục cảnh quan lễ hội là gần 3.000 hộ, trong đó có khoảng 2.500 hộ liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án đã được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 850/TTg-NN ngày 6/7/2020; Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa chấp thuận danh mục dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (Nghị quyết số 279/NQ-HÐND ngày 16/6/2020); Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn ban hành các quyết định thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và các quyết định khác có liên quan theo thẩm quyền.
Dự án có hình thức đầu tư đối tác công-tư (BT) thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Ðiểm d, Khoản 3, Ðiều 62 Luật Ðất đai năm 2013. Khu đất thực hiện Dự án nằm giáp đường ven biển, đường Nam Sông Mã, gần khu FLC ở phía đông biển Sầm Sơn. Dự án được kỳ vọng tạo điểm nhấn hoàn hảo cho bãi biển Sầm Sơn sau khi hoàn thành.
Theo quyết định chủ trương đầu tư, tổng số hộ dân có liên quan khi thực hiện Dự án và trục cảnh quan lễ hội là gần 3.000 hộ, trong đó có khoảng 2.500 hộ liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cho đến nay, Dự án đã gần như hoàn thiện nhưng vẫn còn một số hộ dân không đồng thuận với các quyết định của chính quyền địa phương, liên tục có đơn thư khiếu nại đối với các nội dung liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trong đó, đơn của các hộ dân ở tổ dân phố Trung Kỳ (phường Trung Sơn) cho rằng không nhận được quyết định thu hồi đất; phương án và quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quyết định cưỡng chế thu hồi đất; làm sai lệch hồ sơ biến đất ở thành đất nông nghiệp, sau đó cho người mua lại hồ sơ để làm thành đất ở nhận tiền chênh lệch…
Ðáng chú ý, trong đơn nêu rõ một số quyết định thu hồi đất ghi tên người đã mất từ nhiều năm trước. Người dân cho rằng, một số cán bộ thuộc cơ quan chức năng có liên quan đã cố tình áp loại đất không đúng; kê khống danh sách không có trên thực tế nhằm chiếm dụng tiền chênh lệch đền bù;…
Một số hộ dân ở phường Quảng Tiến phản ánh, cơ quan chức năng chưa thống nhất với các hộ trong việc xác định loại đất, tiêu chí hỗ trợ tái định cư, không hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản, chi phí sinh hoạt tạm thời… nhưng đã ban hành các quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi.
Làm việc với phóng viên, ông Lê Duy Hưng, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Sầm Sơn cho biết: Trong quá trình thực hiện Dự án, hầu hết các hộ dân có quyền và nghĩa vụ liên quan đều đồng thuận và chấp hành tốt chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có một số hộ dân chưa đồng thuận và có đơn thư, khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng. Những kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân đã được UBND thành phố Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa giải quyết và ban hành các kết luận giải quyết theo đúng thẩm quyền. Theo đó, cơ quan chức năng đã thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật quy trình triển khai Dự án. Ðồng thời, một số phát sinh trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cũng đã được thành phố tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật.
Ðối với trường hợp quyết định thu hồi đất ghi tên người đã mất, ông Hưng cho biết căn cứ hồ sơ đất đai chưa chuyển tên chủ sử dụng mới. Trường hợp này những người có quyền và lợi ích liên quan cần thống nhất và mang hồ sơ tới cơ quan chức năng để được giải quyết.
Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Sầm Sơn cũng thông tin việc người dân có các hoạt động mua bán, trao đổi diện tích đất được giao tái định cư là hoạt động dân sự bình thường, kể cả các hoạt động mua bán trên giấy tờ. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là xử lý nghiêm đối với bất cứ hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai Dự án, nhất là đối với cán bộ, viên chức của cơ quan chức năng nếu bị phát hiện lợi dụng cơ chế, chính sách để trục lợi.
Ðối với phản ánh của người dân cho rằng cơ quan chức năng thu hồi đất ở của người dân để trả cho nhà đầu tư là trái quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn Lê Văn Tú khẳng định: Căn cứ Khoản 4, Ðiều 3 Nghị định số 69/2019/NÐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ quy định quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư và các nghị quyết, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Thanh Hóa, Dự án được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng tại các khu đất thuộc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là đúng quy định của pháp luật. Cho đến nay, thành phố Sầm Sơn đã giải quyết khiếu nại và trả lời bằng văn bản (lần đầu) cho 31 trường hợp là công dân phường Trung Sơn (trong đó có 10 trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản giải quyết khiếu nại-lần 2).
Theo đó, hầu hết các kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân là không đúng, không có cơ sở để giải quyết. Các hộ dân đã được Chủ tịch UBND thành phố giải quyết khiếu nại (lần đầu) và Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại (lần 2), các đơn vị chức năng tham mưu cho UBND thành phố đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành thông báo không thụ lý, chuyển đơn và tiếp công dân đối với các trường hợp nói trên nếu không có nội dung mới.
Như vậy, theo báo cáo của UBND thành phố Sầm Sơn, những vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư khi thực hiện Dự án Quảng trường biển Sầm Sơn đã được giải quyết và giải đáp cụ thể trong buổi làm việc với phóng viên Báo Nhân Dân.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Sầm Sơn, đối với các hộ khiếu nại nhưng chưa có kết quả giải quyết, UBND thành phố đã có văn bản hướng dẫn các hộ có đơn gửi cơ quan chức năng để được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng cho người dân là nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền. Vì vậy, các ý kiến, búc xúc của nhân dân cần được tiếp thu, giải thích, xử lý kịp thời, đúng pháp luật, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, phức tạp.