Thanh Hóa khai thác lợi thế du lịch biển

Thanh Hóa đang tiếp tục phát triển hạ tầng cơ sở, khai thác lợi thế để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng du lịch biển. Ðón mùa hè năm nay, tỉnh có thêm nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ, kỳ vọng thu hút du khách thập phương.
0:00 / 0:00
0:00
Biển Sầm Sơn luôn thu hút đông khách du lịch.
Biển Sầm Sơn luôn thu hút đông khách du lịch.

Tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa nơi có công trình khắc ghi chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam cùng công trình văn hóa tôn vinh khí phách lão dân quân Hoằng Trường, bản lĩnh của thế trận phòng không nhân dân trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; dự án Flamingo Linh Trường có mức đầu tư khoảng 2.458 tỷ đồng cơ bản hoàn thành, định hình Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao trên diện tích gần 19 ha.

Thêm những sản phẩm du lịch biển

Theo dự án của Flamingo Linh Trường, những khách sạn, cửa hàng độc đáo, phố đi bộ, công viên ánh sáng, vui chơi giải trí, các phân khu mua sắm, check-in công nghệ thực tế ảo, phố ẩm thực, trung tâm khoáng nóng và kiến trúc "rừng xanh trên trời cao" đưa vào khai thác theo phân kỳ đầu tư, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ mới. Nằm trong dự án này là Flamingo Ibiza Hải Tiến.

Ðến với nơi đây, tùy chọn ẩm thực Á-Âu hay khoái khẩu với hải sản, đặc sản bản địa, khách còn được thưởng thức những bữa tiệc âm nhạc từ các ban nhạc. Tổng quản lý Flamingo Ibiza Hải Tiến, Huỳnh Kim Sang thông tin: Lễ khai trương khu nghỉ dưỡng vào dịp 30/4 và 1/5 năm nay là chuỗi sự kiện sôi nổi, đặc sắc, hấp dẫn, đánh dấu Flamingo Ibiza Hải Tiến - thành phố thương mại và du lịch biển đẳng cấp ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động.

Xuất phát từ mong muốn của nhân dân, hướng tới kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc (1954-2024), Biểu tượng "Con tàu tập kết" cùng cụm phù điêu bên bờ hữu sông Mã ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn được xây dựng từ nguồn xã hội hóa đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm mỹ thuật, chất lượng công trình. Ðây cũng là tấm lòng, tình cảm, kỳ vọng của đồng bào phía nam về sự hiện diện của công trình lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật tại vùng biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Quần thể còn có các hợp phần nhà lưu niệm, công trình công cộng kết nối bởi con đường ký ức gợi mở, định hình tâm lý hướng cội, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền nam tập kết ra bắc năm 1954, kết nối với nơi thành lập chi bộ Cố Gắng - tổ chức tiền thân của Ðảng bộ thành phố Sầm Sơn cùng tượng đài tôn vinh nữ anh hùng Công an nhân dân Nguyễn Thị Lợi - người đánh đắm chiến hạm A-mi-ô-đanh-vin của Pháp và Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Sầm Sơn, tạo thêm điểm đến, sản phẩm hấp dẫn khách thập phương.

Hè này, thành phố Sầm Sơn khánh thành, đưa vào sử dụng Quảng trường biển có sức chứa khoảng 10 nghìn người cùng trục cảnh quan lễ hội dài 2,6 km, rộng 120m, tạo không gian sinh hoạt văn hóa công cộng quy mô lớn nhất xứ Thanh. Trên quảng trường có phiên bản mô phỏng Hòn Trống-Mái ở núi Trường Lệ, hai hàng cây trang trí bóng đèn led tái hiện hình ảnh, các họa tiết hoa văn trên trống đồng Ðông Sơn.

Với công nghệ, hệ thống phun nước theo các chủ đề trình diễn, kết hợp âm nhạc và ánh sáng; chương trình biểu diễn nhạc nước, âm nhạc, nghệ thuật mặc định cùng các hoạt động công diễn sống động tại quảng trường mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm mới mẻ, lan tỏa, thăng hoa giá trị văn hóa, nghệ thuật. Tập đoàn Sun Group hiện đẩy nhanh tiến độ xây lắp, sớm đưa công viên nước trên diện tích hơn 33 ha vào hoạt động. Tổ hợp giải trí với các trò chơi, sông, bể tạo sóng cùng quảng trường biển, trục cảnh quan là nơi diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội, điểm đến của cộng đồng.

Trên bước đường xây dựng đô thị du lịch thông minh, hiện đại, thành phố Sầm Sơn chú trọng bảo tồn, phát huy 49 di tích lịch sử, văn hóa cùng các di sản phi vật thể, tài nguyên nhân văn phong phú, đặc trưng ở vùng biển qua chuỗi sự kiện, lễ hội: Bà Triều, bánh chưng-bánh dầy, cầu phúc đền Ðộc Cước, cầu ngư-bơi chải; tạo thêm các sản phẩm du lịch mới: Lễ hội tình yêu Hòn Trống-Mái, lễ hội đường phố, làng bích họa, tuyến phố đi bộ và chợ đêm, các hoạt động thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo nhằm hấp dẫn, thu hút khách.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn Lê Văn Tú trao đổi: Ba năm qua, thành phố đón được 16,5 triệu lượt khách, trong đó riêng năm 2023 Sầm Sơn đón 7,9 triệu lượt khách, phục vụ 15 triệu khách ngày, tổng thu du lịch đạt gần 14.290 tỷ đồng. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch mới, tạo đột phá về tốc độ, chất lượng tăng trưởng trên nền tảng du lịch truyền thống. Thành phố thúc đẩy hình thành các tour du lịch từ Sầm Sơn đi Thành nhà Hồ, Lam Kinh, Bến En, suối cá Cẩm Lương, khu di tích Hàm Rồng; tăng cường giao lưu kinh tế, học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị du lịch trong, ngoài tỉnh, hợp tác xây dựng tour, tuyến du lịch trong nước, quốc tế.

Thanh Hóa khai thác lợi thế du lịch biển ảnh 1

Tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao bên bờ biển Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa.

Du lịch biển chiếm tỷ trọng cao

Thanh Hóa có 102 km bờ biển, thềm ngập nước thoai thoải được phù sa các con sông bồi đắp thành dải cát trải dài, nhất là bờ biển từ lạch Trường, huyện Hoằng Hóa đến vùng duyên hải thị xã Nghi Sơn rất lợi thế khai thác du lịch. Kỷ Tạo Sơn đã ban tặng cho khu vực này những núi đá granite màu đỏ cặn rượu vang, đá hoa cương đâm ngang ra biển, tạo thành các vũng, bãi tắm nơi sơn thủy hữu tình.

Ði đôi với sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng điểm đến, các tuyến giao thông, phát triển các phương thức vận tải kết nối, Thanh Hóa thu hút các thành phần kinh tế cùng đầu tư phát triển du lịch.

Vùng ven biển có 59 dự án, tổng mức đầu tư gần 120 nghìn tỷ đồng đã và đang thực hiện. Ngoài khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường ở huyện Hoằng Hóa, quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội, tổ hợp thương mại, khu vui chơi giải trí ở Sầm Sơn hoàn thành giai đoạn đầu tư, đưa vào khai thác; hiện khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương có tổng mức đầu tư 4.969 tỷ đồng, Dự án khu đô thị du lịch sinh thái ở Tân Dân, thị xã Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 3.663 tỷ đồng đang giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa đặc biệt quan tâm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, dành quỹ đất phát triển công viên, quảng trường, bãi tắm, các loại hình dịch vụ công cộng phục vụ nhân dân, du khách.

Cụ thể hóa khâu đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là giao thông kết nối, hạ tầng khu du lịch, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án du lịch trọng điểm, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thụ hưởng các chính sách phục hồi kinh tế, Thanh Hóa triển khai đồng bộ các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Năm 2021, du lịch biển thu hút được gần 1,6 triệu lượt khách, đạt doanh thu 2.512 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% số lượng khách, tổng thu du lịch toàn tỉnh thì năm 2022 du lịch biển thu hút hơn 8 triệu lượt khách, đạt doanh thu 15.580 tỷ đồng, chiếm hơn 70% số lượng khách và tổng doanh thu du lịch toàn tỉnh. Năm vừa qua du lịch biển tiếp tục hấp dẫn, thu hút hơn 9,4 triệu lượt khách, chiếm 75,3% số lượng khách du lịch đến Thanh Hóa; tổng thu du lịch biển đạt 21.200 tỷ đồng, chiếm 86,5% tổng thu du lịch toàn tỉnh.

Du lịch biển thu hút, tăng trưởng nhanh về số lượng khách trong dịp hè nên quá tải, biến động tăng giá dịch vụ vào các dịp nghỉ lễ, cuối tuần. Số lượng khách quốc tế đến các khu du lịch biển trong tỉnh còn thấp do khu vực này còn ít khu nghỉ dưỡng cao cấp, thiếu các dịch vụ bổ trợ như vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, mua sắm.

Thanh Hóa tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch vùng duyên hải nhằm tăng thêm các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hạ tầng đô thị, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng đô thị, thúc đẩy tiến độ các dự án du lịch, thu hút đầu tư vào phía nam Sầm Sơn. Trục cảnh quan, đường 4C đang triển khai thi công, kết nối hệ thống giao thông khu vực này với đường bộ ven biển, trục giao thông tây-đông từ Ngã tư Voi thành phố Thanh Hóa xuống Sầm Sơn sẽ phân luồng, giảm tải số lượng du khách cùng mật độ phương tiện dồn về phía bắc thành phố Sầm Sơn.

Ði đôi với nâng cao chất lượng các hoạt động thường niên, các địa phương, doanh nghiệp tăng tần suất tổ chức các sự kiện du lịch vào mùa thấp điểm, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao: chơi golf, bóng chuyền bãi biển, lướt ván, đua thuyền buồm nhằm thu hút khách du lịch quanh năm.

Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thông tin: Năm nay Thanh Hóa tổ chức 145 sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao, trung bình hơn 2,5 ngày có một sự kiện. Ngành chủ quản cùng các địa phương, tổ chức nghề nghiệp thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, văn hóa giao tiếp, ứng xử cho lao động tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, lao động thời vụ, chú trọng xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, nhân lực du lịch chuyên nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khai thác thử nghiệm du lịch đảo Mê, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch di sản lịch sử, văn hóa, tâm linh vùng duyên hải. Ðồng thời Thanh Hóa phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trang trại, các sản phẩm du lịch chuyên đề, chú trọng kết nối, xây dựng tour, tuyến du lịch, khai thác sự khác biệt nhằm thu hút khách trong nước, quốc tế.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ðầu Thanh Tùng trao đổi: Giai đoạn này vùng duyên hải có thêm một số dự án du lịch quy mô lớn đi vào hoạt động, nhất là các khu nghỉ dưỡng cao cấp cùng sản phẩm văn hóa, lịch sử, vui chơi, giải trí đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của khách du lịch. Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch quy mô lớn, từng bước hình thành hệ thống các khu du lịch biển hấp dẫn ở Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn; khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm du lịch tàu biển qua Cảng Nghi Sơn, góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tương tác, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực liên quan cùng phát triển.