Tháo gỡ vướng mắc tại Dự án đường nối Sầm Sơn-Nghi Sơn

Đường nối thành phố Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) chủ yếu đi qua địa bàn phường Quảng Châu (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Đến nay, địa phương đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng hợp đồng thi công công trình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong các quyết định giải phóng mặt bằng của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Sầm Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân phản ánh một số nội dung chưa thỏa đáng khi thu hồi đất thực hiện Dự án đường nối Sầm Sơn-Nghi Sơn.
Người dân phản ánh một số nội dung chưa thỏa đáng khi thu hồi đất thực hiện Dự án đường nối Sầm Sơn-Nghi Sơn.

Chậm giao đất tái định cư

Đường nối thành phố Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (Dự án) có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Đường có tuyến chính dài 12,5 km và tuyến nhánh dài 3,11 km; điểm đầu Km1+800 giao với Quốc lộ 47 tại Km5+700/QL47 thuộc địa phận phường Quảng Châu; điểm cuối Km14+300 giao với tuyến nhánh thuộc địa phận xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương.

Đây là đoạn đường đã được Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam (Quyết định số 129/QĐ-TTg, ngày 18/01/2010 và phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tại Văn bản số 2409/TTg-KTN, ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Điểm đầu tuyến đường thuộc xã Nga Tiến (huyện Nga Sơn), điểm cuối thuộc xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn).

Tổng chiều dài toàn tuyến, đoạn qua tỉnh Thanh Hóa là 96,2km, đi qua các địa phương: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương và Nghi Sơn, được kỳ vọng mở ra cánh cửa cho sự phát triển vượt bậc của các địa phương thuộc vành đai kinh tế ven biển tỉnh Thanh Hóa.

Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 31/8/2018. Địa phương đã tổ chức thông xe kỹ thuật vào ngày 24/4/2021.

Nhưng cho đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của UBND thành phố Sầm Sơn vẫn chưa hoàn thành khiến Dự án chưa thể hoàn thiện các hạng mục liên quan. Ngoài ra, việc các hộ dân chưa đồng thuận giao đất khiến tình hình càng thêm phức tạp, ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Hải, một trong số các hộ dân cho biết: “Năm 2018, các hộ dân Quảng Châu nhận được Quyết định thu hồi đất cùng với quyết định về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của UBND thành phố Sầm Sơn. Tuy nhiên, thời điểm đó chúng tôi không nhận được quyết định giao đất tái định cư với lý do thành phố chưa có quỹ đất.

Mãi đến cuối năm 2022, thành phố xây dựng phương án tái định cư mới. Theo phương án này, các hộ bị cắt đi từ 1/3 đến một nửa diện tích được giao so với phương án cũ; một số hộ bị chuyển từ lô đất đã chọn trước đó sang lô khác có vị trí không tốt...

Trong khi đó, chính quyền lại áp dụng mức giá tại thời điểm giao đất, buộc chúng tôi phải trả thêm gấp đôi tiền đất. Làm Dự án để phát triển kinh tế-xã hội, người dân rất ủng hộ, cho nên khi Nhà nước có chủ trương, chúng tôi đã phối hợp ngay. Nhưng chính sách của Nhà nước phải làm đúng, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do việc thu hồi đất phải được bảo đảm”.

Cùng quan điểm với ông Hải, bà Đàm Thị Hiền cho biết: “Từ cuối năm 2019 đến tháng 7/2022, chúng tôi đã nhiều lần khiếu nại các quyết định giải phóng mặt bằng của thành phố Sầm Sơn, nhưng đều không được giải quyết. Lý do quan trọng nhất do UBND thành phố đưa ra là chưa có nơi tái định cư; sau đó là chưa quyết định được đơn giá đất tái định cư. Việc thực hiện phương án chậm có nguyên nhân từ phía chính quyền, tại sao lại bắt người dân chúng tôi phải chịu. Do vậy, chúng tôi đề nghị được tính toán giá đất và giao đất tái định cư theo phương án đã thống nhất từ năm 2019”.

Thực tế cho thấy, những phản ánh của một số hộ dân đều có cơ sở. Tuy nhiên, qua nhiều năm kể từ thời điểm UBND thành phố Sầm Sơn có quyết định thu hồi đất năm 2019 đến nay, những kiến nghị này chưa được giải quyết thỏa đáng. Chưa có nơi tái định cư, các hộ dân luôn phải sống trong bất an do không biết lúc nào nhà, đất bị cưỡng chế thu hồi…

Trách nhiệm của chính quyền địa phương

Trách nhiệm trong việc chậm giao đất tái định cư kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất (năm 2019) thuộc về chính quyền thành phố Sầm Sơn.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lương Tất Thắng: Do đây là dự án trọng điểm của tỉnh nên thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất, thành phố vẫn chưa bố trí được quỹ đất tái định cư.

Đến giữa năm 2022, UBND thành phố mới khởi động lại phương án giao đất tái định cư cho các hộ. Vì phương án ban hành năm 2022, nên các phương án phải áp dụng tại thời điểm đó chứ không áp dụng thời điểm thu hồi đất năm 2019.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng khu tái định cư đã hoàn thiện nhưng một số hộ chưa được bố trí tái định cư vì các lý do: Nguyện vọng đăng ký của các hộ không phù hợp với phương án bố trí tái định cư tổng thể đã được phê duyệt tại Quyết định số 5287/QĐ-UBND ngày 8/11/2019 của UBND thành phố; đề nghị xem xét tính giá đất tái định cư theo mức giá năm 2019; chưa bàn giao mặt bằng sạch cho Dự án như quy định tại Điểm D Điều 69 Luật Đất đai năm 2013.

Quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), nêu rõ quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.

Điều này được hiểu là kế hoạch tổ chức thực hiện bố trí tái định cư được ban hành cùng thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất của người dân.

Như vậy, việc ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện Dự án của UBND thành phố Sầm Sơn trong khi chưa có quỹ đất tái định cư cho các hộ dân là không đúng quy định. Cho đến khi có quỹ đất, địa phương lại tự ý thay đổi diện tích, vị trí lô đất tái định cư đã thống nhất trước đó càng khiến cho các hộ dân bất bình.

Do vậy, các hộ dân có yêu cầu bảo đảm quyền lợi về tái định cư khi giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án là có cơ sở.

Giải thích về nội dung nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn Nguyễn Ngọc Bích cho biết: Những khiếu nại của nhân dân mới chỉ là phương án đề xuất dự kiến của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố đối với những hộ đã nhận tiền đền bù, đã bàn giao đất. Những hộ chưa bàn giao mặt bằng hoặc không đồng ý nhận đất tái định cư, Hội đồng chưa có cơ sở trình UBND thành phố để giao đất.

Đối với yêu cầu của người dân về việc thành phố phải giao đúng vị trí, diện tích đã thống nhất tại cuộc họp năm 2019, đến thời điểm hiện nay, nguyện vọng đăng ký của các hộ dân không còn phù hợp với phương án bố trí tái định cư tổng thể của thành phố; cho nên, thành phố đề xuất phương án ở thời điểm này là đúng quy định.

Ngoài ra, căn cứ Khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai năm 2013, giá thu tiền sử dụng đất (đối với đất giao tái định cư) tùy thuộc vào thời điểm có quyết định giao đất.

Những nội dung nêu trên cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa kết luận giải quyết khiếu nại tại Quyết định số 2956/QĐ-UBND ngày 21/8/2023. Theo đó, UBND thành phố Sầm Sơn có trách nhiệm trong việc chậm giao đất tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, Quyết định cũng nêu rõ việc các hộ dân khiếu nại về giá tiền sử dụng đất cần thực hiện tại thời điểm thu hồi là không đúng do các hộ chưa được giao đất.

Theo Khoản 2 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011: “Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại”; cho nên, khiếu nại của các hộ dân chưa được giao đất tái định cư không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Đề nghị UBND thành phố Sầm Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc chậm hoàn thiện các hạng mục hạ tầng khu tái định cư, dẫn đến việc chậm giao đất cho các hộ tại Dự án đường nối Sầm Sơn-Nghi Sơn; đồng thời khẩn trương hoàn thiện các nội dung nêu trên, thông báo rộng rãi, công khai đến nhân dân…

LÊ ĐỨC GIANG

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa