Sáng 10/9, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp với công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa tổ chức Hội thảo “Giải pháp thanh toán và tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” với mục đích cải thiện môi trường thanh toán số hóa, gia tăng hiệu quả vận hành và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tiếp cận vốn - Bài toán khó của doanh nghiệp
Trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn - 98% của tổng số khoảng 963.000 doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, 2% còn lại là doanh nghiệp lớn. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa là trụ cột của nền kinh tế, đóng góp 45% GDP và là khách hàng chính của các tổ chức tài chính.
Tuy nhiên, theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), từ sau đại dịch Covid-19, tiếp cận vốn trở thành một nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức liên quan đã cố gắng hết sức nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tối giản thủ tục hành chính, hối thúc sự giúp đỡ của các ngân hàng, thế nhưng các doanh nghiệp vẫn cần trợ giúp để vượt qua khó khăn. Theo thống kê của nhiều tổ chức tài chính, khoảng 28% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất “khát” vốn.
Quang cảnh Hội thảo. |
Đồng tình với vấn đề này, Thạc sĩ Trần Văn Hiển - Phó Trưởng Ban Đào tạo và Hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), thành viên mạng lưới Tư vấn viên chuyển đổi số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đó là không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Nếu được vay thì tỷ lệ vay trên giá trị tài sản bảo đảm đó không cao, chỉ khoảng 50-60%.
Cùng đó, hoạt động vay tín chấp rất khó để tiếp cận. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khó tiếp cận việc cho vay dựa trên dòng tiền và chu kỳ vốn lưu động. Lý do bởi dự án của doanh nghiệp nhỏ và vừa có tính khả thi thấp, báo cáo tài chính thiếu tin cậy. Loại hình doanh nghiệp này thường chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3-4 năm.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực, thách thức từ bên ngoài như: Sự cạnh tranh cao, thách thức trong quản lý dòng tiền, tuân thủ các quy định phức tạp. Doanh nghiệp cần vận hành hiệu quả hơn nhưng lại khó theo dõi hiệu suất, áp lực mở rộng quy mô kinh doanh.
Từ câu chuyện thách thức, VINASME cùng các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo với mong muốn tìm ra giải pháp, công cụ nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, bù đắp một phần khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hỗ trợ từ các tổ chức tài chính
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi về những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải, cũng như đề xuất các giải pháp tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng hội nhập vào nền kinh tế số.
Cùng với Sacombank và UrBox, Visa đã giới thiệu một bộ giải pháp toàn diện, bao gồm công cụ quản lý kinh doanh, phương án tối ưu hóa chi phí với các ưu đãi từ Visa, giải pháp thanh toán tùy chỉnh và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, VINASME và Visa - công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thanh toán điện tử, đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sự hợp tác giữa VINASME và Visa nhắm đến mục tiêu số hóa hệ thống thanh toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cải thiện hiệu suất vận hành và tăng trưởng bền vững. Quan hệ này còn tập trung nâng cao năng lực doanh nghiệp và kết nối với các nguồn lực quan trọng như công nghệ, ngân hàng và đội ngũ chuyên gia của Visa, thông qua mạng lưới đối tác toàn cầu của Visa.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào khẳng định Visa sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình tiếp cận vốn. |
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Visa tự hào được hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn và tiếp cận các giải pháp thanh toán số, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện.
Ông Huỳnh Thiên Phú, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển Kinh doanh của Sacombank, chia sẻ rằng thanh toán B2B giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, luôn là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng.
"Với các sản phẩm thẻ doanh nghiệp và giải pháp thanh toán, chúng tôi mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quản lý dòng tiền và nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh thông qua chính sách tín dụng phù hợp," ông Phú cho biết.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng bộ phận phát triển sản phẩm của UrBox, cũng chia sẻ tại hội thảo: "UrBox rất vui mừng được giới thiệu những ưu đãi đặc biệt dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành viên của VINASME. Khi sử dụng thẻ doanh nghiệp Sacombank Visa để thanh toán các dịch vụ của UrBox, doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp giảm thiểu chi phí và thúc đẩy kinh doanh".