Giải pháp để xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả

NDO - Xây dựng chuyển đổi số trong công tác quản lý sản xuất lúa gạo từ cấp đồng ruộng đến cấp địa phương và trung ương là một trong những vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế-IRRI đã chia sẻ về hệ thống theo dõi và báo cáo sản xuất lúa (RiceMore). Giải pháp này được các chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá cao.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống theo dõi và báo cáo sản xuất lúa RiceMore là nền tảng tham chiếu địa lý, cho phép chuẩn hóa và ghi lại dữ liệu hoạt động sản xuất lúa theo thời gian.
Hệ thống theo dõi và báo cáo sản xuất lúa RiceMore là nền tảng tham chiếu địa lý, cho phép chuẩn hóa và ghi lại dữ liệu hoạt động sản xuất lúa theo thời gian.

Nhiều tiềm năng phát triển hệ thống RiceMore tại Việt Nam

Hệ thống theo dõi và báo cáo sản xuất lúa RiceMore, do Cục Trồng trọt, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp và Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế IRRI phối hợp phát triển. Đây là nền tảng tham chiếu địa lý, cho phép chuẩn hóa và ghi lại dữ liệu hoạt động sản xuất lúa theo thời gian. Sau gần 7 năm triển khai tại 9 địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 1 địa phương ở Đồng bằng sông Hồng, hệ thống số theo dõi và báo cáo hoạt động sản xuất lúa RiceMore đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp tự động tổng hợp dữ liệu theo các cấp quản lý khác nhau, cải thiện đáng kể quy trình báo cáo và thống kê sản xuất lúa.

RiceMore có các hợp phần lưu trữ và xử lý dữ liệu sản xuất, giúp tính toán lượng phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa từ cấp đồng ruộng, nông hộ, hợp tác xã tới cấp vùng và quốc gia. Nhờ đó, hệ thống có tiềm năng đóng góp cho công tác kiểm kê khí nhà kính của ngành lúa gạo và các chương trình quốc gia liên quan tới tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, như Đề án sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giải pháp để xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả ảnh 1

RiceMore có các hợp phần lưu trữ và xử lý dữ liệu sản xuất, giúp tính toán lượng phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa từ cấp đồng ruộng.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định: Tiềm năng áp dụng hệ thống RiceMore có thể vượt xa các ứng dụng hiện nay. Đây có thể là nền tảng xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số trong sản xuất lúa nói riêng và ngành Trồng trọt nói chung. Qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu chủ chốt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nâng cao giá trị sản xuất đồng thời bảo đảm tăng trưởng xanh, bảo đảm sinh kế và sức khỏe của người dân.

Tiềm năng áp dụng hệ thống RiceMore có thể vượt xa các ứng dụng hiện nay. Đây có thể là nền tảng xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số trong sản xuất lúa nói riêng và ngành Trồng trọt nói chung.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Khi ta đã có những dữ liệu dự báo về mùa vụ, thông tin thời tiết nông vụ của một vụ sản xuất, RiceMore sẽ là công cụ đo đếm và tính toán một cách chính xác nhất những yếu tố có thể xảy ra trong vụ sản xuất đó. Theo đó, hỗ trợ rất nhiều cho cán bộ từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh trong việc tham mưu và đưa ra những quyết định cụ thể và chính xác tại thời điểm đó”, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.

Chia sẻ về tính ưu việt của hệ thống Ricemore, bà Trần Ngọc Hiếu, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cờ Đỏ (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ) cho biết: Hệ thống Ricemore cho phép thu thập dữ liệu từ cấp xã và cán bộ cấp huyện không cần phải nhập liệu mà chỉ nhập dữ liệu vào hệ thống để tích hợp với dữ liệu cấp tỉnh. Ứng dụng giúp tiết kiệm thời gian và số liệu thiết thực và trực quan hơn. Dữ liệu được cập nhật lên hệ thống có thể truy xuất bất cứ lúc nào và nhanh hơn dưới nhiều hình thức, đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số hiện nay của ngành nông nghiệp địa phương.

Nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho nông dân

Hệ sinh thái số RiceMore được phát triển với hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp của chính phủ New Zealand; sáng kiến CGIAR về giảm nhẹ và chuyển đổi để giảm phát thải khí nhà kính của các hệ thống nông sản (MITIGATE+); sáng kiến CGIAR về bảo vệ hệ thống lương thực tại các vùng đồng bằng lớn của châu Á (Asian Mega-Deltas); chương trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái để xây dựng các hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững, toàn diện (Transitions) do IFAD-EU tài trợ.

Giải pháp để xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả ảnh 2
Ứng dụng RiceMore được phát triển hướng tới nhiều nhóm người dùng.

Từ đầu năm 2023, IRRI phối hợp Cục Trồng trọt và Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã nâng cấp RiceMore thành hệ thống trực tuyến với một ứng dụng di động.

Theo đó, ứng dụng được phát triển hướng tới nhiều nhóm người dùng. Ở cấp địa phương, các xã trên toàn quốc có thể gửi dữ liệu báo cáo sản xuất lúa hàng tuần theo mẫu chuẩn giúp tổng hợp và phân tích dữ liệu một cách dễ dàng. Cục Trồng trọt và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể giám sát tiến độ, phân bố diện tích theo vụ, giống lúa, giai đoạn phát triển để đưa ra quyết định tức thời (thí dụ ứng phó với rủi ro khí hậu, kiểm soát sâu bệnh, kế hoạch xuất khẩu và phân bổ đầu tư).

Ở cấp vùng và quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể ước tính tiềm năng và mục tiêu trong giảm phát thải khí nhà kính từ các hệ số phát thải khí nhà kính cấp II và điều kiện tự nhiên cụ thể của địa phương. Những người dùng khác như doanh nghiệp và cơ quan khuyến nông có thể truy cập thông tin để cung cấp khuyến cáo cụ thể cho nông dân, cũng như xây dựng các dịch vụ khuyến nông phù hợp.

Các đại chuyên gia nhận định RiceMore là hệ thống có khả năng nâng cấp và áp dụng phục vụ theo dõi các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Đồng thời, có tiềm năng liên kết với các hệ thống, công cụ và cơ sở dữ liệu khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu số thống nhất, hiệu quả, linh hoạt và minh bạch cho ngành trồng trọt.

Nhấn mạnh yêu cầu về xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, phát triển và áp dụng các ứng dụng số trong quản lý và điều hành sản xuất, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho nông dân, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển một nền tảng dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao trong các lĩnh vực ngành hàng.

Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số hiện nay, việc chuyển đổi số sẽ là điều kiện tất yếu để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ mang lại cơ hội để nâng cao giá trị, cải thiện tính bền vững trong sản xuất và đa dạng hóa sinh kế cho nông dân.