Đã qua thời “con trâu đi trước…”
Trực Ninh là huyện ở phía đông nam tỉnh Nam Định, có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 8.000ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 7.000ha. Do cây lúa chiếm chủ đạo, công tác cơ giới hóa sản xuất chủ yếu xoay quanh hoạt động làm đất, trồng cấy, phun thuốc, thu hoạch và bảo quản lúa.
Bà Lưu Thị Cẩm Vân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Chỉ cách đây khoảng hơn 10 năm, người nông dân Trực Ninh vẫn một nắng hai sương trên đồng với cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Nhưng sau thời gian cơ giới hóa mạnh mẽ hoạt động sản xuất lúa, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa các khâu thủy lợi, làm đất, thu hoạch đã đạt 100%.
Nam Định: Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững
Ở các khâu khác, máy móc, phương tiện khoa học kỹ thuật cũng xuất hiện ngày càng nhiều, giảm thiểu công sức cho bà con nông dân. Hiện đã có hơn 600ha áp dụng gieo mạ khay cấy máy thay cho gieo sạ thủ công. So với phương pháp truyền thống, việc mạ khay, cấy máy mang lại hiệu quả cao hơn hẳn, cây lúa đón ánh sáng mặt trời nhiều hơn, đẻ nhánh khỏe; ruộng thông thoáng, hạn chế sâu bệnh, cỏ dại và lượng thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng giống, cho năng suất cao hơn các phương pháp gieo cấy khác từ 15-20%.
Từ năm 2022, Trực Ninh đã áp dụng phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay, đến nay đạt khoảng 550ha. Không chỉ tránh cho người nông dân tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại, phương pháp này còn có giá thành rẻ hơn hẳn so với thuê nhân công truyền thống.
Cụ thể, chưa tính tiền thuốc, công phun bằng máy bay chỉ từ 18.000 đồng đến 20.000 đồng/sào, trong khi công thuê người phun ít nhất cũng 30.000 đồng/sào. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nông nghiệp đã trang bị các lò sấy hiện đại để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, với công suất có thể đạt gần 200 tấn/mẻ lúa.
Phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay điều khiển từ xa trên cánh đồng xã Trực Thanh, huyện Trực Ninh (Nam Định). |
Việc các doanh nghiệp và các hộ nông dân liên kết sản xuất lúa trên quy mô lớn giúp hoạt động đầu tư, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới các khâu sản xuất trở nên hiệu quả hơn nhiều lần so với hộ nông dân nhỏ lẻ.
Hiện tại, huyện Trực Ninh đã có 307 máy làm đất, 144 máy gặt đập liên hoàn, 74 máy cấy, 2 thiết bị bay không người lái giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giá trị hạt lúa, đưa đến những vụ mùa bội thu, đỡ cảnh một nắng hai sương cho bà con nông dân.
Trên địa bàn toàn tỉnh, Nam Định cũng rất quan tâm công tác cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh có 5.450 máy làm đất (đáp ứng 100% diện tích); 1.068 máy gặt đập liên hợp (đáp ứng 96% diện tích); 8.000 máy phun thuốc có động cơ (đáp ứng 95% diện tích); 95 máy sấy, (đáp ứng 28% sản lượng); 270 máy cấy (đáp ứng 15% diện tích) và 10 máy bay phun thuốc, (đáp ứng 5% diện tích).
Việc các doanh nghiệp và các hộ nông dân liên kết sản xuất lúa trên quy mô lớn giúp hoạt động đầu tư, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới các khâu sản xuất trở nên hiệu quả hơn nhiều lần so với hộ nông dân nhỏ lẻ.
Nhằm phát huy hiệu quả Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đã tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp điều kiện của địa phương; hướng dẫn triển khai cơ giới hóa đến cơ sở, khuyến khích người dân hợp tác liên kết sản xuất, sang nhượng, góp đất mở rộng diện tích đất trong sản xuất để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị thực hiện cơ giới hóa.
Từ năm 2020 đến nay, Nam Định tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cơ giới hóa trong gieo cấy lúa để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm công sức cho người nông dân. Tỉnh hỗ trợ đến 50% giá trị, tối đa 150 triệu đồng với mỗi chiếc máy cấy. Trong bối cảnh ứng dụng khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, nhiều chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu, tỷ lệ cơ giới sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng tăng.
Hiệu quả chuyển đổi số, nâng cao giá trị nông sản
Sản xuất rau, củ sạch tại Hợp tác xã Nam Cường, xã Yên Cường, huyện Ý Yên (Nam Định). |
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số nói chung của tỉnh Nam Định được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 270 cơ sở thực hiện công bố chất lượng cho hơn 500 sản phẩm; 133 cơ sở/doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GMP, VietGAP, ISO…
Nam Định đã có 33 cơ sở ứng dụng phần mềm nhật ký điện tử để quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm; 150 doanh nghiệp sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc cho 230 dòng sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển được hơn 430 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 55 sản phẩm OCOP được chứng nhận tiêu chuẩn 4 sao. Hầu hết sản phẩm OCOP đều đạt giá trị gia tăng cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với trước khi được chứng nhận.
Nam Định cũng đã xây dựng và vận hành website xúc tiến thương mại về sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại địa chỉ: xttmnongnghiep.namdinh.gov.vn; khuyến khích các cơ sở phát triển thương mại điện tử, ký kết hợp tác và hỗ trợ đưa hơn 300 dòng nông sản của 150 cơ sở lên các sàn thương mại điện tử lớn.
Tỉnh cũng tích cực tổ chức các lớp đào tạo kiến thức thị trường, thương mại cho doanh nghiệp, với 10 lớp và hơn 400 lượt học viên; đào tạo, giúp trang bị cho cơ sở những kiến thức cơ bản để phát triển thị trường, xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ trong vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc…
Chế biến sản phẩm lúa gạo OCOP ở xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). |
Phát huy tốt vai trò từ khi thành lập, Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động kết nối thương mại và quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh với các tỉnh, thành phố; thiết lập kênh phân phối thường xuyên tại hơn 40 địa phương.
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động và làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp ở Nam Định dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển từ phương thức truyền thống sang hiện đại, thông minh.
Điều này giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu, giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, nâng cao năng suất lao động; tăng cường chất lượng sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chẳng hạn như chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh với các hợp tác xã và hộ nông dân trên diện tích 600ha, đạt sản lượng tiêu thụ 3.000 tấn lúa chất lượng cao/vụ.
Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp ở Nam Định đã làm giảm 50% chi phí và công lao động, tăng 30% năng suất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Ngoài ra, việc này còn giúp giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ đa dạng sinh học; thuận tiện cho người tiêu dùng truy xuất, theo dõi các thông số về chất lượng nông sản và yên tâm sử dụng.