Giải đáp chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP với nhiều tiện ích

NDO -

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố bộ Hỏi - Đáp giải đáp những vướng mắc liên quan đến 12 nhóm chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên Cổng thông tin điện tử.

Ảnh minh họa: Nguyễn Đăng.
Ảnh minh họa: Nguyễn Đăng.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Bộ Hỏi - Đáp về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 23) trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Giải đáp chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP với nhiều tiện ích -0
 Thông tin Hỏi - Đáp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ Hỏi - Đáp được xây dựng dựa trên những vướng mắc thường gặp của các Sở, ngành tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23.

Đây sẽ là một công cụ giúp cho các sở, ngành địa phương, các doanh nghiệp và người lao động giải đáp những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai, để Nghị quyết 68 và Quyết định 23 được đưa vào đời sống một cách nhanh chóng và thực chất.

Bộ Hỏi - Đáp tập trung giải đáp những vướng mắc liên quan đến 12 nhóm chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 68 và Quyết định 23, được kết cấu bao gồm các câu hỏi chung và câu hỏi cho từng chính sách với 6 nhóm câu hỏi cụ thể.

Đó là: Nhóm câu hỏi về Chính sách ngừng việc; Nhóm câu hỏi về Chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương; Nhóm câu hỏi về F0, F1 và bổ sung với trẻ em; Nhóm câu hỏi về Hộ kinh doanh; Nhóm câu hỏi về Lao động tự do và nhóm khác; Nhóm câu hỏi về Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp.

Bộ Hỏi - Đáp sẽ tiếp tục được cập nhật trong thời gian tới để hỗ trợ Sở, ngành địa phương triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 một cách kịp thời, nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân.

Các tổ chức, cá nhân truy cập vào Bộ Hỏi - Đáp tại chuyên mục Hỏi - Đáp về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc theo đường dẫn http://bovoinddn.molisa.gov.vn/trang-chu/ho-tro-covid-19 để cập nhật những câu hỏi và trả lời mới nhất về thực hiện chính sách hỗ trợ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xử lý các tình huống cụ thể phát sinh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi cập nhật nội dung Hỏi - Đáp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất các chính sách hỗ trợ.

Nghị quyết 68 được ban hành ngày 1/7/2021 gồm 12 chính sách hỗ trợ. Trong đó, văn bản cũng đề cập tới chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa sáu tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Ước tính, 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được dành hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng.

Nội dung này ít nằm trong bộ Hỏi - Đáp mà chủ yếu được đề cập trong “Cẩm nang hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ban hành.

Với 7 nội dung chính bên cạnh nội dung giới thiệu chính sách và thông tin liên hệ hỗ trợ, các thông tin trong cẩm nang hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể về các điều kiện hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng cũng như các đơn vị có trách nhiệm thực hiện.

Lao động và việc làm