Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Xuân Hùng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 8.600 ha cây cam, trong đó hơn 6.700 ha đã cho thu hoạch; năng suất dự kiến 141 tạ/ha sẽ cho sản lượng hơn 95.000 tấn quả. Cây bưởi có gần 5.200 ha, diện tích đã cho thu hoạch khoảng 2.600 ha cũng cho sản lượng hơn 30.000 tấn quả. So với hằng năm, sản lượng không tăng nhiều nhưng do tình hình dịch Covid-19, dự báo, khả năng tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi lượng tiêu thụ trong tỉnh chỉ được khoảng 15% sản lượng.
Về huyện Hàm Yên, vùng cam tập trung của tỉnh Tuyên Quang với gần 7000 ha cây cam, trong đó nổi tiếng với thương hiệu Cam sành Hàm Yên đã được người tiêu dùng bình chọn là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam; lọt top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng; được Cục sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”.
Vụ này, dự kiến sản lượng cam đạt khoảng 80.000 tấn. Liên tiếp trong 2 vụ gần đây, cam rớt giá thấp kỷ lục. Có thời điểm cam chỉ có giá 2.000 đến 4.000 đồng/kg nhưng vẫn vắng thương lái thu mua nên nỗi lo rớt giá đang đeo đẳng người trồng cam.
Anh Trần Văn Thế, thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu cho biết, năm nay sản lượng cam của gia đình ước đạt hơn 50 tấn. Cam sai quả, mẫu mã đẹp, nếu thị trường tiêu thụ với mức giá ổn định, gia đình có thể thu về 300 - 350 triệu đồng.
Tuy nhiên, chứng kiến nhiều sản phẩm nông nghiệp của người dân trên toàn quốc bị mất giá, tồn hàng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, anh rất lo cho sản phẩm cam của gia đình. Toàn xã Phù Lưu hiện có gần 2.300 ha cam, trong đó diện tích cam sành hơn 2.150 ha. Ước tính, sản lượng cam toàn xã đạt khoảng gần 22.000 tấn. Chất lượng sản phẩm cam của xã Phù Lưu ngày một được nâng cao vì người trồng đã chú trọng hơn đến kỹ thuật, mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP với 180 ha.
Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Đỗ Đình Quý cũng xác nhận, những năm trước cam của xã được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực. Nhưng nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 sẽ khiến việc tiêu thụ cam ở một số thị trường lớn gặp khó.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang Hoàng Anh Cương cho biết, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến tiêu thụ sản phẩm nông sản, từ tháng 8, tỉnh đã xây dựng 2 phương án, gồm: tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội và phương án phải giãn cách toàn xã hội. Mục tiêu cao nhất là tiêu thụ 100% sản lượng na, cam và bưởi cho nông dân.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, tỉnh còn liên kết tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt, là đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử… để tiếp cận được nhiều thị trường hơn. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trên địa bàn tham gia phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng hàng Tuyên Quang”; kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh giúp nông dân tiêu thụ nông sản.
Triển khai các phương án tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân, gần đây nhất, ngày 2/11, Hội Cam sành Hàm Yên đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hàm Yên với Bưu điện tỉnh Tuyên Quang, Công ty Cổ phần tập đoàn Masan, Công ty TNHH xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood.
Tại lễ ký kết, các bên đã thống nhất về giá, hình thức đóng gói, vận chuyển và sản lượng tiêu thụ. Theo đó, Bưu điện tỉnh tiêu thụ 10.000 tấn; Công ty Cổ phần tập đoàn Masan, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood tiêu thụ trên 6.000 tấn. Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ đã phần nào giúp người dân vùng cam tạm yên tâm với nỗi lo đầu ra cho quả cam.
Nhìn lại việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khi nhãn, na (chính vụ) vào mùa thu hoạch (tháng 7 - 8/2021). Đó cũng là những ngày dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng nhất. Ở xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, vùng trồng nhãn lớn nhất trên địa bàn tỉnh với gần 1.000 hộ dân trồng nhãn trên tổng diện tích trên 112 ha; trong đó, có 80 ha đang cho thu hoạch, sản lượng hơn 1.500 tấn quả. Để gỡ khó trong việc tiêu thụ nhãn, xã đã khuyến khích người dân kết nối với thương lái tại các chợ đầu mối của thành phố Tuyên Quang, các khu trung tâm, khu công nghiệp để tiêu thụ lứa nhãn chín; đồng thời, kết nối với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ tiêu thụ nhãn cho nông dân…
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã huy động doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn đưa sản phẩm vào các nhà máy, cơ sở sản xuất của mỗi đơn vị để tặng, bán cho cán bộ, công nhân viên; mở điểm bán nông sản tại thành phố để giúp người dân bán sản phẩm; phục vụ giao hàng tận nơi nếu người mua có nhu cầu; giới thiệu sản phẩm trên Facebook, Zalo; đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử... với chủ trương “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”; chủ động, linh hoạt kết nối tiêu thụ nông sản mùa dịch đã giúp người dân tiêu thụ được sản phẩm với mức giá bán phù hợp.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, mùa vụ đối phó với dịch bệnh. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang Hoàng Anh Cương cho biết, để chủ động trong tiêu thụ sản phẩm nông sản bền vững, Tuyên Quang đã ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền quảng bá sản phẩm nông sản Tuyên Quang trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử...; xây dựng và phát hành ấn phẩm dưới dạng video, tin bài…; tổ chức triển khai thực hiện các điểm lưu động bán nông sản tại trung tâm các huyện, thành phố và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin và dự báo thị trường nông sản tới các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh có năng lực, kinh nghiệm thu mua, hệ thống bán hàng lớn để hỗ trợ xây dựng thành các mô hình thu gom nông sản lớn của tỉnh.
Tỉnh tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với các tập đoàn phân phối sở hữu các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+, MM Mega Market, Aeon, Lotte, Coop.mart, Co.opFood, Fivimart và Citimart…; kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee…