Bứt phá từ khởi nghiệp sáng tạo:

Tăng sức đề kháng cho startup

Để đổi mới sáng tạo trở thành đột phá chiến lược và là một trong những động lực chính cho kinh tế-xã hội của đất nước, ngay từ bây giờ cần có sự đột phá trong hoạch định chính sách, pháp luật, xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động khoa học và công nghệ, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Một góc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).

Mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.

Nhận diện những khó khăn chính

Sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ từ phong trào quốc gia khởi nghiệp trong các năm 2016-2017, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang ở trong giai đoạn trầm lắng hơn và từ năm 2021 đến nay không xuất hiện thêm kỳ lân mới. Cảm nhận của những doanh nhân trẻ đang không ngừng nuôi ý chí khởi nghiệp sáng tạo là “mùa đông gọi vốn” dường như vẫn tiếp tục kéo dài kể từ sau đại dịch Covid-19 do sự cẩn trọng của các quỹ đầu tư, những rào cản trong môi trường khởi nghiệp.

Như chia sẻ của Nguyễn Văn Hùng (CEO và Founder của startup Digman), phần lớn các startup như Digman đều bắt đầu bằng vốn tự thân, hoặc số ít may mắn hơn mới vay được vốn ngân hàng. Đây là điểm bất lợi cho năng lực cạnh tranh của startup Việt vì khởi nghiệp sáng tạo tại nhiều quốc gia khác luôn nhận được sự ưu tiên về tài chính. Đơn cử, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm với nhiều tỷ USD để giúp người dân khởi nghiệp và phát triển các startup. Mỹ và châu Âu cũng có rất nhiều các quỹ đầu tư tư nhân sẵn sàng rót vốn cho các dự án khởi nghiệp mạo hiểm.

Theo Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, có tới 69% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ gặp khó khăn về tiếp cận tài chính trong quá trình phát triển; hỗ trợ tài chính cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chủ yếu hướng đến một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (cung cấp các ưu đãi thuế cho nghiên cứu và phát triển) trong khi hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước lại ít hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Đơn cử, năm 2017, hỗ trợ tài chính trực tiếp của Philippines dành cho đổi mới sáng tạo là 237 triệu USD (chiếm 0,07% GDP), hỗ trợ của Việt Nam chỉ đạt 69 triệu USD (chiếm 0,02% GDP). Cũng theo Báo cáo này, 37% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động có đủ kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Trong thực tế, các trường đại học và cơ sở đào tạo chưa thực chất chuẩn bị để người lao động tương lai tham gia các vị trí việc làm ở những lĩnh vực công nghệ cao, dù đã có những tiến triển về khả năng tiếp cận giáo dục.

Liên quan đến thủ tục hành chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết so với các nước trong khu vực Thái Bình Dương, chi phí thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam tương đối thấp, có tác dụng góp phần vào tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường cao. Tuy nhiên, số lượng thủ tục lại nhiều hơn với thời gian thực hiện dài hơn cũng như quy trình xin giấy phép con rất phức tạp, chưa rõ ràng về khung pháp lý. Điều này không chỉ tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp mà còn là rào cản đầu tư vào một số lĩnh vực.

Nhận định về những hạn chế trong hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Vũ Đức Huy cũng cho rằng, hiện đang thiếu một cơ chế, chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững. Thực tế này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong việc bảo đảm nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần có thêm những câu chuyện thành công về thoái vốn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn cho các startup Việt.

Cần nhiều giải pháp nuôi dưỡng startup

Trong nỗ lực thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, NIC đang tập trung phối hợp với các đối tác quốc tế triển khai các chương trình ươm tạo, gửi startup sang “vườn ươm khởi nghiệp” (Startup incubator) ở Silicon Valley (Mỹ), Pháp, Bỉ; tổ chức các chương trình tuyển chọn ý tưởng sáng tạo công nghệ thông qua các cuộc thi, đào tạo thành các doanh nhân công nghệ và sau đó triển khai chương trình tăng tốc để hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm.

Bên cạnh đó, NIC cũng tổ chức các chương trình tập huấn cho cộng đồng cố vấn - đối tượng quan trọng còn đang thiếu và yếu ở Việt Nam. Ở tầm vĩ mô, NIC cũng đang tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo; là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy dòng vốn chảy vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Để nuôi dưỡng khởi nghiệp sáng tạo, ông Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần tập trung đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái theo hướng xây dựng các doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Hoạt động này bao gồm cải thiện các cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các nhà quản lý quỹ tư nhân để thành lập các quỹ đầu tư trong nước và nâng cao năng lực của các bên liên quan đến hệ sinh thái như vườn ươm cũng như hỗ trợ phát triển ý tưởng.

Nội dung quan trọng khác là đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong đó có nội dung đẩy nhanh cải cách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý đối với các quỹ đầu tư trong nước, đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam cũng như cho nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài, nhất là đầu tư vào các startup.

Khuyến nghị khác cũng được ông Dorsati Madani nêu ra là cần tăng cường sự đóng góp của giới học thuật và nghiên cứu công lập; tạo điều kiện cho các trường đại học và tổ chức nghiên cứu công đóng góp cho công ty khởi nghiệp thông qua các vườn ươm, hỗ trợ phát triển ý tưởng, trung tâm đào tạo khởi nghiệp sáng tạo (như các mô hình hợp tác công tư),...

Ngoài nội dung cải thiện các điều kiện tăng trưởng và khởi nghiệp sáng tạo, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng vẫn cần có thêm các giải pháp nâng cấp doanh nghiệp hiện có trong toàn bộ nền kinh tế. Điều này bao gồm định hướng hệ thống hỗ trợ, nâng cấp doanh nghiệp thông qua áp dụng công nghệ và giải pháp kỹ thuật số, đầu tư vào nghiên cứu phát triển, phát triển kỹ năng, cải thiện thực tiễn quản lý và tiếp cận tài chính.

Phía các doanh nghiệp cũng cần đầu tư đổi mới sáng tạo để tăng sức đề kháng, thích ứng với tình hình mới, tạo ra giá trị, hiệu suất và lợi thế cạnh tranh. Hành trình của một startup không bao giờ dễ dàng vì dựa trên những ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo, độc đáo, giống như đi theo một con đường chưa ai từng đi. Tỷ lệ thất bại của các startup có thể lên đến 90%, do đó, những thành bại trong giai đoạn đầu khởi nghiệp đều trở thành bài học kinh nghiệm quý cho bản thân những người khởi nghiệp và các dự án về sau.

------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 27/4/2024.