Giải “bài toán” thiếu điểm trông giữ xe ô-tô (Tiếp theo và hết) (★)

Trong khi nhu cầu về bãi trông giữ xe ô-tô ngày càng cao thì Hà Nội lại đang có rất nhiều dự án bỏ hoang thời gian dài và có thể tổ chức thành các điểm trông giữ xe tạm. Tuy nhiên, do vướng nhiều rào cản pháp lý, thiếu chính sách, cơ chế khai thác, những khoảng trống này đang bị tư nhân khai thác để thu lợi, gây rối loạn trật tự đô thị. Thực trạng đó cũng cho thấy sự lãng phí lớn trong bối cảnh nhu cầu giao thông tĩnh bức thiết như hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Xe ô-tô đỗ tràn lên trên vỉa hè tại khu vực phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm. (Ảnh Minh Hà)
Xe ô-tô đỗ tràn lên trên vỉa hè tại khu vực phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm. (Ảnh Minh Hà)

Bài 3: Cần quyết liệt và linh hoạt hơn

Các dự án bãi đỗ xe được triển khai ì ạch, thậm chí là “dậm chân tại chỗ” chính là “cơ hội” mở ra cho các bãi xe tạm, bãi xe không phép hoạt động, khiến cho Nhà nước vừa thất thu thuế, vừa dẫn đến mất trật tự đô thị và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Thiệt đơn, thiệt kép

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, tiền gửi một xe ô-tô tại bãi đỗ xe thông minh Nguyễn Công Trứ là từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng, trong khi nếu gửi tại một số bãi trông giữ tự phát chung quanh đấy, người dân chỉ mất từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến tình trạng hoạt động của các bãi xe chính thống thì cầm chừng, còn những nơi tự phát thì luôn kín chỗ và do không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, lợi nhuận thu được chảy hết vào túi các cá nhân là chủ các bãi trông giữ xe tự phát.

Khi trao đổi vấn đề này, một lãnh đạo phường tại quận Cầu Giấy chia sẻ rằng cũng biết có những bãi xe trên địa bàn là không được phép hoạt động, nhưng với lượng xe ô-tô lớn như hiện nay, nếu quyết tâm dẹp bỏ những bãi đỗ xe không phép, thì quá nửa số người dân trong khu vực không có chỗ để xe. Khi đó, người dân buộc phải để xe tại bất cứ chỗ nào trên hè phố, dưới lòng đường, tạo áp lực lớn về công tác bảo đảm an ninh trật tự, quản lý đô thị.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giải tỏa các bãi xe lậu trên đất để trống là nhiệm vụ bất khả thi. Thậm chí có nơi lực lượng chức năng còn cố tình làm ngơ cho bãi lậu tồn tại để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời hình thành lợi ích nhóm. Nguồn tiền thu được từ các điểm trông giữ xe tạm thời này lẽ ra phải đóng góp cho thành phố để đầu tư hạ tầng, thì trên thực tế lại bị thâu tóm, làm giàu cho một vài cá nhân trong thời gian dài.

Thực tế cho thấy, thành phố còn rất nhiều khu đất trống có thể tận dụng để trông giữ xe trong thời gian ngắn hạn, tạm thời đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời khơi thông một nguồn lợi không hề nhỏ cho công tác đầu tư hạ tầng, nhưng lại chưa được tính toán, thực hiện bài bản. Đó là những diện tích đất đã có dự án xây dựng nhà ở, công viên… nhưng chậm triển khai; hoặc đất thuộc quyền sử dụng của tổ chức còn bỏ không.

Cần giải pháp ngắn hạn

Từ năm 2017, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về tình hình, kết quả thực hiện quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố, đại diện Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy cũng đã đề xuất được tạm cấp phép điểm trông giữ xe tại các khu đất dự án chưa thực hiện để giải quyết nhu cầu của người dân.

Đại diện quận Cầu Giấy cho hay, các điểm đỗ xe trên địa bàn quận hiện mới đáp ứng được từ 15 đến 20% nhu cầu thực tế. Với tốc độ tăng dân số cơ học nhanh trong thời gian qua, Cầu Giấy đang rất khó khăn trong giải quyết điểm đỗ, bãi đỗ xe. Trong khi đó, nhiều dự án hiện đang quây tôn rào kín rồi bỏ không; nếu được cấp phép tạm sử dụng trông giữ xe sẽ giúp giải quyết đáng kể nhu cầu đỗ, gửi phương tiện.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho rằng, hiện chưa có quy định hướng dẫn cấp phép điểm trông giữ xe tạm tại các khu đất đã giao cho các tổ chức, cá nhân lập dự án. Đây cũng không phải đất sử dụng vào mục đích giao thông, nhưng để đáp ứng nhu cầu thực tế ngày càng cấp bách của nhân dân, có thể cấp phép tạm trông giữ xe.

“Đã đến lúc Hà Nội cần nghiên cứu, xây dựng một hệ thống cơ chế, chính sách bài bản, chặt chẽ để cấp phép trông giữ xe tạm trong những diện tích đất trống. Thay vì chật vật kiểm soát để chống tái chiếm, vi phạm các khu đất này, thành phố có thể coi đó là tài nguyên để tận dụng, giải quyết khó khăn trong ngắn hạn, đồng thời tăng cường nguồn lực cho kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông tĩnh dài hạn”, Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nói.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, với những dự án thật sự khó thu hút vốn xã hội hóa, nhất là trong khu vực nội đô, thành phố cần giao cho một đơn vị thực hiện việc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, sau đó giao cho doanh nghiệp khai thác vận hành theo hình thức đấu thầu hoặc các hình thức khác theo quy định.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giao các đơn vị liên quan rà soát cho cấp phép lại đối với các điểm trông giữ xe không được cấp phép theo Văn bản số 796/UBND-GT ngày 6/2/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về các tuyến phố cấm tổ chức trông giữ phương tiện trên vỉa hè, lòng đường. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu gửi xe của người dân, đồng thời giúp cho công tác quản lý tốt hơn, vừa lập lại trật tự đô thị, vừa tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, quản lý các điểm trông giữ phương tiện tại Hà Nội không phải là vấn đề mới. Nhưng nếu thành phố vẫn thực hiện với cách làm như thời gian qua sẽ chỉ nhận được đáp án nửa vời. Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng của thành phố phải vào cuộc trách nhiệm hơn, có quyết đáp cụ thể, rõ ràng hơn để tạo chuyển biến thật sự cho lĩnh vực này.

(★) Xem Báo Nhân Dân, Trang Hà Nội số ra ngày 19 và 23/5/2023.