Giải "bài toán" thiếu điểm trông giữ xe ô-tô

Việc thiếu điểm trông giữ xe ô-tô trên địa bàn Hà Nội không phải là câu chuyện mới, nhiều giải pháp đã được thực hiện, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khi lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng. Để các dự án bãi đỗ xe đang trong cảnh "đắp chiếu" sớm đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu gửi xe đang rất bức thiết, cần có ngay giải pháp quyết liệt hơn gỡ vướng trong việc thực hiện quy hoạch, kêu gọi đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Bãi đỗ xe tự phát trên đường Nghiêm Xuân Yêm, quận Hoàng Mai. (Ảnh PHÙNG ĐÔ)
Bãi đỗ xe tự phát trên đường Nghiêm Xuân Yêm, quận Hoàng Mai. (Ảnh PHÙNG ĐÔ)

Bài 1: Loay hoay tìm giải pháp

Vi phạm về dừng, đỗ xe ô-tô tràn lan, lực lượng chức năng liên tục phải vào cuộc nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm bởi thiếu rất nhiều chỗ trông giữ cho người dân. Điều này đã xảy ra nhiều năm qua và chắc chắn sẽ còn tái diễn, thậm chí là bức bối hơn khi ngay cả các cơ quan quản lý cũng còn đang loay hoay tìm giải pháp.

Nhiều năm qua, đoạn đường dài khoảng 500m, từ số 1 đường Nghiêm Xuân Yêm đến cổng Nghĩa trang Kim Văn-Kim Lũ bị biến thành bãi đỗ xe tự phát.

Thiếu trầm trọng điểm trông giữ xe

Hằng ngày, tại đây có nhiều xe ô-tô dừng, đỗ thành hàng ba, hàng bốn chiếm nửa lòng đường, gây mất trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng. Dù lực lượng Công an phường Đại Kim; Cảnh sát trật tự, Công an quận Hoàng Mai; Đội Cảnh sát giao thông số 14; Thanh tra Giao thông vận tải quận Hoàng Mai... khi thì thay phiên, khi thì phối hợp tuần tra xử phạt, nhưng nhiều xe vẫn đỗ ở lòng đường, trong khi tài xế bỏ đi đâu không rõ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) Nguyễn Sỹ Phong cho biết: "Đây là điểm người dân dừng đỗ xe tự phát, không có hoạt động trông giữ xe trái phép. Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, nhắc nhở, nhưng cứ vắng bóng công an lại tái diễn".

Trong khi đó, anh Lê Văn Hùng, chủ một xe ô-tô đỗ ở đây chia sẻ: "Cực chẳng đã chúng tôi mới phải đỗ xe ngoài đường. Tôi cũng muốn gửi xe cẩn thận, nhưng gần đây thì không có chỗ nhận trông xe, chỗ nhận gửi thì cách nhà quá xa, rất bất tiện".

Theo ước tính của Công an phường Đại Kim, khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ hiện có khoảng hơn hai nghìn xe ô-tô của người dân; hạ tầng giao thông tĩnh chung quanh đã quá tải trầm trọng. Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai đã có kế hoạch cấp phép tạm một số điểm đỗ xe tại khu vực đường nội bộ bên trong khu đô thị và dọc bờ sông Tô Lịch. Nhưng như vậy cũng chưa đáp ứng đủ cho người dân. Nếu có thêm một điểm trông giữ xe trên lề đường Nghiêm Xuân Yêm, sẽ góp phần giải quyết tốt hơn tình trạng dừng đỗ tràn lan hiện nay.

Rất nhiều khu đô thị tại Hà Nội đang rơi vào tình trạng thiếu bãi đỗ xe trong khi lượng xe ô-tô liên tục gia tăng. Anh Trần Quang Tuấn ở tòa HH 4C (khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết, chiều nào đi làm về anh cũng phải "đỏ mắt" tìm chỗ đỗ xe, vì lòng đường hay vỉa hè chỗ nào có thể đỗ được thì cũng kín cả rồi.

Vi phạm tràn lan

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, diện tích các điểm, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố mới đáp ứng từ 8 đến 10% nhu cầu đỗ xe của tổng phương tiện hiện có, còn lại 90% số phương tiện đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, hoặc tại vỉa hè, lòng đường, các khu đất trống...

Mạng lưới bãi đỗ xe công cộng chủ yếu tập trung trong Vành đai 4 trở vào, tổng số các bãi đỗ xe là 57 điểm đang được khai thác sử dụng với diện tích khoảng 44,37ha. Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tĩnh, nhất là hệ thống bãi đỗ xe trong khu vực đô thị trung tâm còn chậm chạp, chưa đáp ứng được nhu cầu đỗ xe.

Dù số lượng dự án có nhà đầu tư quan tâm, tham gia là khá lớn nhưng thực tế số lượng dự án đầu tư đã hoàn thành còn rất khiêm tốn. Trong tổng số 107 dự án đang nghiên cứu, chỉ có 57 dự án đã hoàn thành, hầu hết các dự án đều phải gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Việc đầu tư xây dựng bến, bãi đỗ xe hầu hết vẫn chủ yếu sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, trong khi năng lực tài chính một số nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu dự án còn hạn chế. Nhiều nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu chỉ mang tính chất "giữ đất", chứ không thật sự đầu tư.

Trong khi đó, nhiều tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, khai thác điểm đỗ xe, dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất an toàn, phá vỡ quy hoạch. Ngoài ra, các hình thức quản lý hiện nay vẫn theo truyền thống, thiếu trang thiết bị và chưa đồng bộ cũng khiến công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn, gây thất thu ngân sách...

Do thiếu trầm trọng điểm trông giữ xe, cho nên trên địa bàn thành phố, nhất là ở khu vực các quận trung tâm nở rộ những bãi đỗ xe trái phép, không bảo đảm an toàn, thu phí cao nhiều lần giá quy định. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính 223 trường hợp, xử phạt 997 triệu đồng.

Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, do "cầu" vượt "cung", cho nên nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tạm sử dụng vỉa hè, lòng đường để trông giữ phương tiện, thường xuyên sử dụng quá diện tích được cấp phép, thu vé quá giá quy định. Nhiều trường hợp vi phạm bị lập biên bản, xử lý nhiều lần, nhưng tình trạng tái lấn chiếm, vi phạm vẫn diễn ra. Việc thu hồi giấy phép đối với các điểm trông giữ này, cơ quan quản lý và lực lượng kiểm tra cũng phải rất cân nhắc.

Trưởng ban Đô thị (Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội) Đàm Văn Huân cho rằng, với các dự án bãi đỗ xe đã được phê duyệt phải được nghiêm túc triển khai. Cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, có chế tài mạnh hơn, thậm chí là xử phạt và thu hồi với những dự án cố tình "ôm" đất nhưng lại chây ỳ không triển khai. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng phải tăng cường quản lý trật tự đô thị, tránh tình trạng có bãi trông giữ, nhưng người dân không vào gửi mà đỗ xe tùy tiện ở vỉa hè, lòng đường.

(Còn nữa)