(Tiếp theo kỳ trước) (*)

Giải “bài toán” thiếu điểm trông giữ xe ô-tô

Nhu cầu gửi xe tại các điểm trông giữ xe ô-tô ngày càng bức thiết, nhưng nhiều dự án dù đã được các cơ quan chức năng thông qua vẫn chưa được triển khai. Điều đáng nói là cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều thấy vướng, thấy khó và làm thế nào để thúc đẩy, cởi gỡ thì đến nay chưa có lời giải.
0:00 / 0:00
0:00
Một điểm trông giữ xe tại khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm. (Ảnh PHẠM HÙNG)
Một điểm trông giữ xe tại khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm. (Ảnh PHẠM HÙNG)

Bài 2: Khi cơ quan chức năng còn thấy... khó

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư bãi đỗ xe tĩnh, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019.

Chính sách nhiều, hiệu quả ít

Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND có một số chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp như: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu, kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất bãi đỗ xe; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe; được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án theo quy hoạch để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm...

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng tư vấn thành phố ban hành một số cơ chế đặc thù như: Cho phép nhà đầu tư được bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong; trong phạm vi bán kính khoảng 500m chung quanh bãi đỗ xe theo quy hoạch, không cho phép khai thác điểm đỗ xe tạm thời ở lòng đường, vỉa hè...; xây dựng cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn.

Tưởng chừng với sự ưu ái như vậy, các nhà đầu tư phải “chen chân” để làm, tuy nhiên thực tế thì ngược lại. Nhiều dự án đã được giao trên dưới 10 năm nhưng vẫn “án binh bất động”. Một số dự án đã được triển khai thì lại biến tướng, sử dụng sai mục đích với đủ các loại hình dịch vụ, thậm chí xẻ ra thành các ki-ốt cho thuê kinh doanh thương mại.

Lý giải nguyên nhân vì sao chậm trễ, một doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) đang có dự án bãi đỗ xe tĩnh, nhưng chưa làm cho biết, để triển khai bãi đỗ xe tĩnh rất khó khăn như cần kinh phí đầu tư khoảng 50 tỷ đồng và nhanh cũng khoảng hơn 20 năm mới có thể thu hồi vốn, chưa nói đến lợi nhuận. Chính bởi “bỏ tiền tấn, thu tiền lẻ” như vậy, nên doanh nghiệp hờ hững cũng là dễ hiểu.

Theo Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân, việc xây dựng chính sách cần phải tính toán xem đã thuận lợi chưa, vì sao nhà đầu tư chưa mặn mà. “Phải làm sao để doanh nghiệp thấy rằng bỏ tiền ra đầu tư ít nhất bằng lãi suất gửi ngân hàng thì mới tạo được sức hút. Cái này phải tính toán cụ thể, chứ đề ra chung chung thì khó triển khai”, ông Tân nói.

Còn nhiều hạn chế

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Bảo thừa nhận, nguyên nhân chủ quan là nhiều chủ đầu tư thực hiện báo cáo giám sát đánh giá đầu tư còn chưa đầy đủ; năng lực tài chính còn hạn chế, chưa chủ động giải quyết những vi phạm theo quy định.

Việc tổ chức giám sát, hậu kiểm của cơ quan chủ trì trong lĩnh vực đầu tư sau khi tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư được nghiên cứu dự án còn chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn chưa chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Công tác phối hợp giữa các địa phương với cơ quan chuyên môn cũng chưa hiệu quả.

Trước thực trạng nêu trên, Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị các cơ quan Trung ương ủng hộ, tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sớm hoàn thành việc rà soát, trình phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô làm cơ sở hoàn thiện, khớp nối đồng bộ các đồ án quy hoạch liên quan, trong đó có đồ án quy hoạch giao thông vận tải và đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe.

Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị thành phố tổ chức rà soát, giám sát, đánh giá đầu tư toàn bộ danh mục các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cho phép nghiên cứu dự án, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai để đôn đốc triển khai thực hiện. Trên cơ sở đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện đồ án, làm cơ sở kêu gọi đầu tư thực hiện các bãi đỗ xe bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Trưởng ban Đô thị (Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội) Đàm Văn Huân cũng cho rằng, hiện còn thiếu cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư và cần thiết phải cho phép các bãi đỗ xe tĩnh này trở thành bãi đỗ xe hỗn hợp, gồm cả phần dịch vụ. Khi được hỏi, với những chính sách này, thành phố có đủ thẩm quyền hay không, ông Huân trả lời “có thể”.

Rõ ràng, với các vướng mắc này, các cơ quan chức năng của Hà Nội đủ khả năng để giải quyết. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra còn khá chung chung. Do đó, dù đã ban hành được gần 5 năm, nhưng đến nay Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 vẫn chưa phát huy hiệu quả, trong khi nhu cầu về bãi đỗ tĩnh ngày càng bức thiết, còn công tác xử lý vi phạm lại tiếp tục tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân, Trang Hà Nội số ra ngày 19/5/2023.