Ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,... không dễ tìm được một sân chơi thật sự đúng nghĩa trong các khu vực công cộng vốn đất chật người đông. Mặc dù theo thống kê: Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có hơn 400 công viên, gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu dân cư, trong khi tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, cũng có khoảng hơn 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng.
Thực tế, các thành phố lớn đều có những khu vui chơi với cơ sở vật chất hiện đại nhưng được xây dựng nhằm mục đích kinh doanh và không phải gia đình nào cũng có điều kiện cũng như thời gian cho con đến chơi ở những nơi như vậy.
Ngược lại, những không gian công cộng, nơi vui chơi miễn phí cho các em, lại đang rất thiếu; hoặc nếu có, sân chơi đã bị chiếm dụng, trở thành hàng quán, điểm trông giữ xe, chợ cóc...
Và ở nhiều khu dân cư, nhất là các chung cư, diện tích dành làm khu vui chơi cho trẻ cũng hạn hẹp, thậm chí là không có, nếu có thì không bảo đảm chất lượng như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn; hoặc sân chơi ở xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, trẻ có thể bị quấy rối, bắt nạt, thậm chí bị xâm hại...
Vì thế, trên nhiều tuyến phố, trẻ em vẫn phải tự chơi ở khu vực vỉa hè, gần với mặt đường, chính là những nguy hiểm tiềm ẩn có thể gặp rủi ro, nguy hiểm do xe cộ qua lại.
Theo các chuyên gia đánh giá, tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu.
Đáng chú ý, khó khăn lớn nhất trong công tác quy hoạch, xây dựng thêm sân chơi công cộng là quỹ đất hạn chế, nhất là tại các thành phố lớn. Việc di dời các cơ quan, đơn vị đang sử dụng đất tại các khu đất xen kẽ, giáp ranh khu dân cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh để bổ sung quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa vẫn còn quá chậm.
Để giải quyết bài toán sân chơi cho trẻ trong mỗi dịp hè, trước mắt, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch duy tu, tôn tạo các điểm vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ đã có như công viên, nhà văn hóa, sân vận động tại khu phố, thôn, xóm…
Ngoài ra, chính quyền, các ngành chức năng cũng cần đánh giá sự phát triển và nhu cầu xã hội để kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư những công trình vui chơi, giải trí quy mô phù hợp cho địa phương.
Trước khi có được các khu vui chơi lành mạnh, phù hợp, các bậc cha mẹ học sinh và nhà trường bên cạnh sự quan tâm, quản lý con em trong học tập, cần định hướng để các con tham gia các môn thể thao, văn nghệ trong dịp hè, tránh để trẻ sa vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh và giúp trẻ tránh được những nguy cơ gây tai nạn có thể xảy ra.
Việc thiếu các sân chơi sẽ khiến các em lười vận động và việc chỉ quanh quẩn trong nhà với ti-vi, điện thoại, trò chơi điện tử,... sẽ làm cho các em không được rèn luyện cả về mặt thể chất, tâm hồn và khả năng giao tiếp…