1/ Sáng cuối tuần, thư viện đồ chơi trẻ em tại số 68A Nguyễn Trãi (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) rộn rã tiếng cười nói của hàng chục em nhỏ. Đưa con đến chơi, chị Trần Thảo Vy (phường Hải Châu 2) tỏ vẻ hài lòng: “Từ khi địa phương khai trương thư viện đồ chơi miễn phí, hầu như cuối tuần nào tôi cũng đưa các con đến đây vì không chỉ có nhiều đồ chơi mới mà các con còn kết nối thêm nhiều bạn mới”. Cùng chung suy nghĩ, anh Võ Công Bằng (phường Hải Châu 2) chia sẻ: “Mô hình thư viện đồ chơi trẻ em rất thiết thực, hữu ích. Đến đây, các con được vui chơi trong không gian rộng rãi, an toàn, rời xa các thiết bị điện tử; đồng thời rèn luyện được nhiều tính tốt như học cách chia sẻ đồ chơi, sắp xếp đồ chơi ngăn nắp sau khi chơi xong”.
Trong khi đó, ghi nhận tại thư viện đồ chơi tại số 230 Trưng Nữ Vương (phường Bình Thuận), hơn chục em nhỏ quây quần vui chơi trong hội trường nhà sinh hoạt cộng đồng. Tại đây, hàng chục món đồ chơi đủ thể loại được bày ngăn nắp trên kệ. Bà Trần Thanh Hà (phường Bình Thuận) cho biết, từ ngày khai trương thư viện đồ chơi trẻ em, cứ dịp cuối tuần khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng lại nhộn nhịp, rộn rã tiếng cười nói. Không chỉ các hộ dân lân cận, nhiều phụ huynh ở xa cũng chở con đến đây vui chơi, giải trí. Qua tìm hiểu, tại các thư viện đều có ban quản lý là đại diện chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thực hiện nhiệm vụ vận hành hoạt động của thư viện. Bà Thi Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hải Châu 2 cho biết, điểm đặc biệt của thư viện là các em có thể mượn đồ chơi về nhà miễn phí trong vòng một, hai tuần, sau đó mang đến trả và đổi món đồ chơi khác.
2/ Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng cho biết, mô hình thư viện đồ chơi trẻ em được khai trương cuối tháng 9 vừa qua. Để bảo đảm hiệu quả hoạt động, chính quyền quận và các phường đã có nhiều buổi kiểm tra chất lượng phòng ốc, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các thư viện trước khi đưa vào sử dụng. Trong giai đoạn 1, các thư viện thí điểm được đặt tại bốn địa điểm, gồm: số 68A Nguyễn Trãi (phường Hải Châu 2), số 230 Trưng Nữ Vương (phường Bình Thuận), kiệt 448/85 Trưng Nữ Vương (phường Hòa Thuận Đông) và nhà văn hóa An Bình, đường Trần Đức Thảo (phường Hòa Cường Nam). Các thư viện mở cửa cả ngày vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần phục vụ trẻ em ở lứa tuổi mầm non và tiểu học.
Từ nguồn vận động xã hội hóa ban đầu, mỗi thư viện được trang bị đồng bộ khoảng 20 thiết bị đồ chơi mới như thú nhún, bập bênh, xe lắc, xe trượt… với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Bên cạnh nguồn vận động xã hội hóa, các địa phương cũng vận động phụ huynh, các em nhỏ mang đến ủng hộ những món đồ chơi cũ còn sử dụng tốt giúp phong phú nguồn đồ chơi tại thư viện. Theo bà Lê Thị Thanh Lan (trú phường Hòa Thuận Đông), ý tưởng mở thư viện đồ chơi miễn phí trong khu dân cư rất thiết thực, giải quyết được vấn đề khan hiếm khu vui chơi công cộng ở khu vực trung tâm, giúp tạo thêm nhiều sân chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích cho trẻ em. Còn đại diện các khu dân cư cho hay, địa điểm đặt thư viện là các nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa nằm xen lẫn trong các khu dân cư, thường ngày, các địa điểm này trong tình trạng cửa đóng then cài, chỉ mở cửa mỗi tháng vài lần khi khu dân cư tổ chức hội họp. Vì thế, việc triển khai mô hình còn giúp phát huy công năng các thiết chế văn hóa trong khu dân cư, tránh tình trạng lãng phí công trình công cộng.
Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, sau thời gian thí điểm, trên cơ sở hiệu quả mang lại, quận Hải Châu sẽ tiếp tục triển khai tại 9 phường còn lại trong năm 2023, bảo đảm 13/13 phường đều có thư viện đồ chơi miễn phí, nhằm đa dạng địa điểm vui chơi công cộng cho trẻ em. Bên cạnh đó, chính quyền quận Hải Châu cũng vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân tiếp tục đóng góp, hỗ trợ thêm thiết bị đồ chơi nhằm nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng đồ chơi tại các thư viện.