Sân chơi hè cho trẻ, cần đa dạng và thiết thực hơn

Trong sự hối hả của nhịp sống hiện đại, khi mà từng mét vuông đất ở các thôn, làng, khu phố đều trở thành tài sản giá trị, thì việc duy trì các sân chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em gặp rất nhiều khó khăn,... Tại Bắc Ninh, với quan điểm dành những gì tốt nhất cho thế hệ măng non, các cấp bộ Đoàn và các ngành, đoàn thể, địa phương đã tích cực phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động hè phong phú, ý nghĩa...
0:00 / 0:00
0:00
Học viên Học kỳ quân đội tại Bắc Ninh thực hành kỹ năng chữa cháy.
Học viên Học kỳ quân đội tại Bắc Ninh thực hành kỹ năng chữa cháy.

Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, trong khi công nghiệp, dịch vụ và đô thị phát triển “nóng”, dân số cơ học tăng nhanh. Điều này đã tạo áp lực rất lớn trong giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, đặc biệt là tạo các không gian sinh hoạt cộng đồng.

Còn đó những âu lo!

Đã hai tháng trôi qua, nhưng người dân thôn Lạc Trung (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vẫn chưa hết đau xót khi nhắc đến vụ đuối nước tại khu vực sông Cầu (đoạn chảy qua địa bàn thôn), cướp đi sinh mạng của một học sinh, hồi đầu tháng 5/2023. Mặc dù nạn nhân biết bơi, song, khi gặp sự cố, do hạn chế về kỹ năng xử lý tình huống đã dẫn đến tai nạn thương tâm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dũng Liệt Vương Văn Tuấn: Do thiếu các điểm vui chơi, nên khúc sông này là địa chỉ quen thuộc được cả người lớn và trẻ em ra tắm mát vào mỗi chiều hè. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền đã cho rà soát các vị trí nước sâu, cắm biển cảnh báo nguy hiểm; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về an toàn cho mọi người, nhất là trẻ em.

Không chỉ ở Lạc Trung, thiếu khu vui chơi cho trẻ em là thực trạng chung tại nhiều địa bàn dân cư. Trong quá trình quy hoạch, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã quan tâm đầu tư các nhà văn hóa, thể thao, công viên, song, sân chơi cho trẻ em còn rất hạn chế.

Phó Bí thư Huyện đoàn Tiên Du Trịnh Thanh Bình trao đổi: Vừa qua, đơn vị đã huy động các nguồn lực, xây dựng một số công trình vui chơi cho trẻ em bằng vật liệu tái chế. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, vì khó khăn về kinh phí...

Bà Nông Thị Ngọc Lan (phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) cho biết: Trên địa bàn đã được đầu tư các điểm vui chơi giải trí, nhưng lâu ngày, trang thiết bị đã xuống cấp, không sửa chữa kịp thời, nên không vận hành được và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 79 bể bơi trường học, hàng chục bể bơi do các đơn vị nhà nước vận hành và bể bơi xã hội hóa... Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em đã được tỉnh chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương, nhà trường và các gia đình đặc biệt quan tâm. Việc tuyên truyền, tập huấn về phòng chống đuối nước, rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm cho học sinh được đẩy mạnh.

Trưởng Phòng Chăm sóc, Bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh) Phạm Thị Hồng Quyên cho biết, từ tháng 5/2023 đến nay, đã có gần 10.000 học sinh trong toàn tỉnh được tham gia học bơi và truyền thông về an toàn đuối nước. Bên cạnh đó, tỉnh còn bồi dưỡng nghiệp vụ dạy bơi, cứu hộ cho đội ngũ giáo viên phụ trách môn thể dục tại các nhà trường.

Em Nguyễn Minh Thư, học sinh Trường tiểu học Mộ Đạo, thị xã Quế Võ cho biết: Tham gia tập huấn, em được bổ trợ kiến thức về kỹ năng bơi, sơ cấp cứu khi có người bị nạn và phương pháp tự nổi trên mặt nước khi gặp nguy hiểm. Em thấy chương trình tập huấn này rất bổ ích.

Cùng với dạy bơi, nhiều năm nay, Tỉnh đoàn Bắc Ninh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh phối hợp tổ chức chương trình “Học kỳ trong quân đội” cho thiếu niên, nhi đồng từ 11 đến 16 tuổi. Qua đó, đã tạo sân chơi lành mạnh, rèn luyện tính tự chủ, tự lập, kỷ luật, giúp các em phát huy tính đồng đội, sự chia sẻ, quan tâm bạn bè, gia đình và mọi người.

Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh, Trần Quang Thiện thông tin: Năm 2023 chương trình “Học kỳ trong quân đội” tại Bắc Ninh có hai khóa huấn luyện (8 ngày/khóa). Chương trình được xây dựng với 40% nội dung về giáo dục chính trị, tư tưởng, quốc phòng và huấn luyện quân sự phù hợp với lứa tuổi của học viên; 40% nội dung huấn luyện kỹ năng sống và 20% các hoạt động bổ trợ.

Nhằm đa dạng sân chơi và hoạt động hè cho trẻ em, các cấp bộ Đoàn tỉnh Bắc Ninh đồng loạt ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện. Trong đó, tập trung làm tốt việc quản lý học sinh sinh hoạt hè tại địa phương; vận động nguồn lực để xây dựng, cải tạo các điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí; hỗ trợ, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn..., bảo đảm mọi trẻ em đều có cơ hội được vui chơi, học tập và phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, theo chị Hoàng Hồng (phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh), đa số các hoạt động hè cho trẻ em hiện nay là dịch vụ thu tiền. Bởi vậy, không phải trẻ em nào cũng được tham gia, vì phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình; còn lại, rất thiếu hoạt động mang tính cộng đồng. Nếu như Đoàn Thanh niên khôi phục hoạt động Hội trại hè cấp xã, huyện như những năm 1990 trở về trước thì rất thiết thực và ý nghĩa.

Ý kiến của chị Hồng cũng là mong muốn của rất nhiều bậc cha mẹ trong việc giải bài toán sân chơi hè cho thiếu nhi. Đó là điều mà các ngành, đoàn thể, địa phương cần quan tâm, nhằm mang đến cho trẻ em những trải nghiệm an toàn và bổ ích.