Tạo lập sân chơi cho trẻ em trong dịp hè

Học sinh trên toàn quốc đã bước vào kỳ nghỉ hè sau một năm học. Cùng với niềm vui của con trẻ được xả hơi sau một năm học tập, là nỗi lo lắng của cha mẹ học sinh trong việc tìm "sân chơi" an toàn, bổ ích cho các em mỗi khi hè về.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em vui chơi tại sân chơi làm từ vật liệu tái chế do nhóm Think Playgrounds xây dựng trên địa bàn phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh Quang Thái)
Trẻ em vui chơi tại sân chơi làm từ vật liệu tái chế do nhóm Think Playgrounds xây dựng trên địa bàn phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh Quang Thái)

Sau khi cô giáo gửi tin nhắn thông báo thời gian bế giảng năm học vào cuối tháng 5, chị Hồng Nhung, ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), không khỏi lo lắng: "Con gái 4 tuổi thì tôi còn gửi được tại các nhà trẻ tư, còn bé trai 7 tuổi vừa học xong lớp 1 thì chưa biết phải xoay xở thế nào. Hiện tại tôi vẫn phải cho cháu ở nhà xem ti-vi, vì bố mẹ đi làm suốt. Làm việc tại cơ quan mà lúc nào cũng lo lắng không nguôi, thường xuyên phải gọi điện thoại về nhà và soi camera xem cháu đang làm gì…".

Anh Lê Văn Tuấn, phường Mai Dịch (Cầu Giấy), có con năm nay lên lớp 3 chia sẻ, nhà tôi ở khu tập thể, nhưng các sân chơi miễn phí cho thiếu nhi dịp hè gần như không có. Khu dân cư có tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu, nhưng các hoạt động vẫn chưa phong phú, rập khuôn máy móc dẫn đến nhàm chán. Tôi đã tham khảo một số trại hè, nhưng mức phí khá cao so với thu nhập của gia đình. Các trại hè cũng chỉ tổ chức trong vài tuần hoặc một tháng. Còn lại hai tháng hè, gia đình lại phải gửi con vào các lớp học thêm bán trú.

Thực tế, tình cảnh như chị Nhung và anh Tuấn cũng là nỗi niềm của rất nhiều gia đình trẻ sống tại các thành phố, khu đô thị đang gặp phải khi các con nghỉ hè. Với các bé ở độ tuổi mầm non, các trường công lập thường tổ chức từ một đến hai lớp học hè, hoặc các lớp tư thục, trường mầm non tư nhân vẫn tổ chức các lớp học, lớp năng khiếu cho trẻ, có thể hiểu là hình thức trông con giúp. Cha mẹ có thể gửi con cả ngày tại những lớp học bán trú như thế này. Tuy nhiên, với trẻ ở bậc tiểu học thì nghỉ hè, con chơi ở đâu, ai trông là cả vấn đề, bởi, rất khó để tìm được nơi gửi con trong khi cũng chẳng thể để con ở nhà một mình.

Hiện nay, các điểm vui chơi, sinh hoạt hè, hay một không gian mở dành cho sinh hoạt cộng đồng còn thiếu, môi trường và không gian dành riêng cho trẻ em rất hạn hẹp. Cho dù những năm gần đây, chính quyền địa phương tại Hà Nội đã cùng với người dân nỗ lực tìm cách để có thêm nhiều sân chơi ngoài trời cho trẻ em nhưng không đơn giản.

Nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng vào mục đích khác cho nên trẻ em không thể tiếp cận, hoặc bị hàng quán lấn chiếm, hoặc sân chơi không bảo đảm an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn; xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ trẻ bị quấy rối, bắt nạt, bị xâm hại; thiết kế của sân chơi không phù hợp và chưa đáp ứng cho các em ở các độ tuổi; không bố trí thùng rác và nhà vệ sinh...

Nhiều sân chơi không đáp ứng được nhu cầu đa dạng bảo đảm thân thiện để cả trẻ trai, trẻ gái có thể cùng sử dụng. Tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.

Trong khi các điểm vui chơi không gian mở bị lấn chiếm, dịch vụ vui chơi thu phí lại trở nên "nhộn nhịp". Tại các điểm vui chơi có không gian rộng như Công viên Thủ Lệ, Vườn Bách thảo, Công viên nước Hồ Tây, Thiên đường Bảo Sơn, Khu Ecopark, các trung tâm thương mại… đều mở các dịch vụ vui chơi. Tuy nhiên, để trẻ có thể tham gia các trò chơi, cha mẹ phải trả phí cao. Thiếu vắng chỗ chơi, thiếu vắng người kèm cặp, quản lý…, mùa hè tưởng như là quãng thời gian thú vị, lại trở thành nỗi lo của cha mẹ.

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em ở thành phố hiện nay có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với những thiết bị công nghệ và máy móc cho nên khi không có không gian chơi lý tưởng, trẻ sẽ vùi mình vào điện thoại, máy tính bảng hay những trò chơi mang tính bạo lực, những thông tin không thể kiểm soát được nội dung. Chính điều này tác động rất lớn đến tâm lý và tính cách của trẻ, khiến trẻ bị cô lập, không hòa đồng, thêm nữa, ánh sáng điện tử ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ.

Mùa hè chính là thời điểm lý tưởng để các em được tham gia các hoạt động cộng đồng. Đã đến lúc cần nhiều hơn những hành động thiết thực từ các cơ quan chức năng để có được những "sân chơi" hợp lý cho trẻ mỗi khi mùa hè tới. Trước hết, chính quyền các cấp cần phối hợp các nhà trường và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hơn các sân chơi hè cho trẻ em, bảo đảm vui, khỏe, an toàn, bổ ích.

Hình thức tổ chức các sân chơi hè cần đa dạng, linh hoạt, phù hợp lứa tuổi, đặc điểm từng vùng, từng địa phương để thu hút trẻ em, quan tâm đúng mức tới việc bố trí địa điểm sinh hoạt, vui chơi cho các em. Căn cứ vào tình hình thực tế để tổ chức các hoạt động với nội dung bổ ích, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu của trẻ. Các cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục thực nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng năng khiếu... cho trẻ trong dịp hè.

Tổ chức đoàn các phường, xã, thị trấn phân công phụ trách thiếu nhi là những người có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, được đào tạo cơ bản về công tác phụ trách đội, giỏi tổ chức trò chơi, nhất là những trò chơi tập thể để hướng dẫn trẻ những điều hay, lẽ phải, tạo nhiều hoạt động vui chơi bổ ích giúp các em kích thích trí thông minh, sự nhanh nhẹn...

Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện để tư nhân đầu tư xây dựng các khu, điểm vui chơi giải trí, tổ chức các hoạt động hình thành thói quen đọc sách góp phần phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi. Các gia đình nên cho con em tham gia các khóa giáo dục, rèn luyện trong mùa hè và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho con, tạo nên mùa hè ý nghĩa và giúp trẻ trang bị thêm kỹ năng, tái tạo năng lượng để sẵn sàng cho năm học tiếp theo.