- Em ước được trở thành một đầu bếp hàng đầu, đi khắp năm châu để đưa món ăn Việt Nam ra thế giới.
- Còn em, em mong mình sẽ trở thành một nhà thiết kế thời trang. Hoặc không, em muốn trở thành một kỹ sư làm việc cho tập đoàn Apple.
Lũ trẻ râm ran khi được chúng tôi hỏi về ước mơ của mình. Các mẹ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội bảo: Đó chính là những giấc mơ đã chạm được vào sâu thẳm trái tim của bầy con bé nhỏ.
Những giấc mơ nhỏ chạm vào trái tim
9 giờ sáng, Minh Ánh đã dắt chị Minh Anh tới phòng sinh hoạt chung của Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội. Do đã bước vào kỳ nghỉ hè, nên hôm nay, các anh chị cũng có mặt đông đủ để chơi cùng hai em. Thấy khách tới thăm, Minh Ánh trong bộ áo màu vàng líu ríu chạy ra chào rồi bắt đầu múa hát.
Những thiên thần bé nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 Hà Nội trong giờ sinh hoạt chung tại thư viện. (Ảnh: Thành Đạt) |
Chị Lê Thị Thu Hiền, người đã có hơn 20 năm công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 vừa cười, vừa kể: Cách đây 2 năm, Minh Anh và Minh Ánh được đội trật tự xã hội của Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 (Ba Vì, Hà Nội) tìm thấy khi hai cô bé đang lang thang ở một khu chợ đông người tại ngoại thành Hà Nội. Vào thời điểm ấy, hai em mới chỉ chưa đầy 2 tuổi và… chưa được đặt tên.
2 năm trước, Minh Anh và Minh Ánh được đội trật tự xã hội của Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 (Ba Vì, Hà Nội) tìm thấy khi hai cô bé đang lang thang ở một khu chợ đông người tại ngoại thành Hà Nội. Vào thời điểm ấy, hai em mới chỉ chưa đầy 2 tuổi và… chưa được đặt tên.
“Cũng giống như hầu hết các con khi mới vào trung tâm, khi mới được đưa về, hai con đã khóc rất nhiều. Các mẹ phải thay phiên nhau ở cạnh, kể chuyện cổ tích, dạy các con hát, múa để Anh và Ánh nguôi ngoai”, chị Hiền nhớ lại.
Vài năm sau, cặp song sinh đã quen dần với ngôi nhà mới. Ngày ngày, hai cô bé cùng vui đùa với bạn bè trong khuôn viên trung tâm đã rợp mát bóng cây.
Nói về ước mơ của mình, Minh Anh chia sẻ: “Ước mơ lớn nhất của con là được đi học như các anh chị vì được tới lớp về nhà sẽ biết rất nhiều điều hay”.
Hai chị em sinh đôi Minh Anh và Minh Ánh giờ đã thực sự coi trung tâm là ngôi nhà thứ hai của mình. Ở đó, các em có sự yêu thương của các mẹ, các anh chị lớn hơn. (Ảnh: Thành Đạt) |
Ngồi ngay bên cạnh, bé Nguyễn Thị Anh Nhi, 9 tuổi hào hứng: “Minh Anh đi học như chị thì sẽ được vẽ này, được học toán cộng trừ này. Rồi em cũng sẽ biết hát như chị nữa”.
Anh Nhi cũng là một trường hợp đặc biệt tại mái ấm số 1. Khi vừa tròn 18 tháng tuổi, mẹ Nhi mất trong một vụ tai nạn giao thông. Do không còn nguồn nuôi dưỡng, bé và anh trai Quốc Khánh được chính quyền xã Phú Cường (Ba Vì) liên hệ đưa vào trung tâm.
Những ngày đầu tiên, do thiếu sữa, Nhi bị suy dinh dưỡng rất nặng nên việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Nhiều đêm, các mẹ tại trung tâm phải thức trắng để dỗ cho Nhi vào giấc. Đến tận hơn 2 tuổi, Nhi vẫn chưa biết đi. Các mẹ phải lấy bàn chải chải vào lòng bàn chân con để kích thích các dây thần kinh. Mãi vài tháng sau, cô bé nhỏ quắt mới bắt đầu chập chững đứng lên, tiến về phía vòng tay đang đón đợi của các mẹ. Nhìn cảnh ấy, không ai cầm được nước mắt.
Hai anh em ruột Anh Nhi và Quốc Đạt cũng đã có 8 năm gắn bó với mái ấm tại Ba Vì. Với các em, cuộc sống đã dần trở nên tươi đẹp hơn. |
Tám năm sau, Nhi đã trở thành một cô bé lanh lợi và đáng yêu. Cô bé đặc biệt thích môn Toán và muốn trở thành một nhà toán học trong tương lai.
Trong khi đó, anh trai Quốc Khánh thì thực tế hơn. Khánh tâm sự: “Mẹ con mất sớm, bà và ông con bị khuyết tật. Con muốn trở thành một đầu bếp thật giỏi để có thể nấu cho ông, bà và em con ăn. Làm đầu bếp con cũng sẽ được đi khắp nơi trên thế giới nữa”.
Được xem như anh lớn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội, Phạm Đức Mạnh (16 tuổi) luôn chăm chỉ học tập và phụ giúp các mẹ chăm sóc đàn em. Vốn sinh ra tại một quận trung tâm Hà Nội, năm 9 tuổi, mẹ của Mạnh mất sau cơn bạo bệnh. Do không có ai chăm nuôi, em được chính quyền hỗ trợ đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1.
Lúc mới vào, Mạnh sống cô lập, ít nói và ngại giao tiếp. Nhưng được sự quan tâm, động viên của các mẹ, Mạnh nhận thấy đây cũng là ngôi nhà thứ hai của mình. Cậu bé bắt đầu cởi mở, vui vẻ hơn.
Không phụ trông đợi của các mẹ, Mạnh được đánh giá là cậu học trò sáng dạ. Năm học 2021-2022, cậu bé đã đạt giải Nhì Học sinh giỏi môn Văn học tại Trường Trung học cơ sở Tây Đằng. Đặc biệt hơn, từ một chú bé nhút nhát, Mạnh đã trở thành nhân tố đặc biệt năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa.
Chia sẻ với chúng tôi, Mạnh cho biết, em đặc biệt đam mê thiết kế thời trang. Trong các buổi biểu diễn văn nghệ tại trường, cậu đã tham gia phối đồ cho các tiết mục và nhận được phản hồi tích cực.
“Sau này, cháu sẽ trở thành nhà thiết kế thời trang. Các em tại trung tâm sẽ được mặc toàn bộ đồ do cháu tự tay làm”, Mạnh hồ hởi.
Vẽ lại tương lai cho con
Theo Ban Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội, hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 41 cháu nhỏ không có nguồn nuôi dưỡng, trong đó có 2 em đang học lớp 12 chuẩn bị thi đại học, 1 em đang học đại học. Các em đều chấp hành tốt nội quy của trung tâm cũng như nội quy của nhà trường, biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Đặc biệt, các bé tại trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng. Bên cạnh đó, tình yêu thương ở mái ấm nhỏ này cũng luôn đong đầy. Chính tình yêu của “các mẹ” nơi đây đã chung tay góp phần nâng cánh những ước mơ cho các bé. Các mẹ cho biết, cực lắm, nhưng thương và hy vọng nhiều.
Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội hiện đang nuôi dưỡng 41 cháu nhỏ không có nguồn nuôi dưỡng.
Mẹ Lê Thị Thu Hiền năm nay 45 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm chăm sóc “các con” tại trung tâm. Vốn tốt nghiệp chuyên ngành mầm non, mẹ Hiền đã chứng kiến rất nhiều lứa trẻ lớn lên, trưởng thành từ mái ấm nhỏ bé này.
Nhìn Minh Anh đang xòe tay múa, chị kể: Những ngày đầu mới vào làm, chị có cơ duyên được gặp hai anh em Bảo Minh và Bảo Việt. Lúc này, Bảo Việt mới chưa đầy 18 tháng tuổi, bằng đúng tuổi con chị ở nhà.
Chị Lê Thị Thu Hiền đã có hơn 20 năm làm "mẹ" của hàng chục thiên thần nhỏ tại trung tâm. Sự đồng cảm và tình yêu thương của những người như chị đã bù đắp cho những thiệt thòi mà các con đã phải gánh chịu. (Ảnh: Thành Đạt) |
“Minh và Việt được đưa vào đây khi mẹ các con phải thi hành án. Lúc này, Việt rất bé, khóc suốt vì thiếu hơi người thân. Mỗi lần vào ca trực, tôi đều rất thương và cố gắng chăm cháu như con mình”, chị gạt mồ hôi đã đầm đìa trên mặt, kể.
Ngày ngày, như một người mẹ thứ hai, chị Hiền lo cho Bảo Việt từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi lần cháu ốm, chị cũng đứng ngồi không yên. Cơ duyên ban đầu ấy giúp chị nhận ra: Có lẽ, tình yêu thương và trắc ẩn chính là món quà quý giá nhất để các con có thể tự vẽ lại giấc mơ cho mình.
“Đến bây giờ, tôi vẫn còn giữ liên lạc với các con. Bảo Minh hiện đang đi học nghề. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đều tin các con sẽ trưởng thành”, mẹ Hiền gửi gắm.
Trong khi đó mẹ Vũ Thị Mai Hoa (Phó Trưởng phòng y tế, nuôi dưỡng, chăm sóc) lại đầy tự hào khi điểm tên từng con nay đã thực sự thành công trên đường đời. Cháu Bình, cháu Châu giờ đang công tác tại Bộ Ngoại giao. Cháu Quân thì tốt nghiệp rồi làm cho một ngân hàng lớn tại Nha Trang. Các con như những “mầm xanh mọc từ sỏi đá”, vững vàng vươn lên dù số phận chịu nhiều thiệt thòi.
Chị Vũ Thị Mai Hoa tâm sự với phóng viên về câu chuyện của những thiên thần bé nhỏ. (Ảnh: Thành Đạt) |
“Công việc của các mẹ ở đây khá nhiều: Vừa là cô nuôi, vừa là "xe ôm" đưa đón các con tới trường. Khi về nhà, chúng tôi lại trở thành cô giáo, dạy các con những nét chữ đầu đời… Niềm vui lớn nhất mà chúng tôi có được chính là sự trưởng thành của các con”, chị Hoa tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội, cho biết: "Mỗi em đều có hoàn cảnh đặc biệt. Khi vào trung tâm, các em rất khó hòa nhập, thích nghi với môi trường tập thể. Qua sự gần gũi, động viên của các cán bộ trung tâm thì các em đã vui vẻ, hòa nhập và đến trường học. Khi ở trung tâm, các em có điều kiện tốt nhất trong học tập, vui chơi. Đặc biệt, các em cũng sẽ được định hướng, giúp đỡ học nghề phù hợp với bản thân. Những cháu xuất sắc thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học sẽ được trung tâm kêu gọi nhiều nguồn để giúp các cháu hoàn thành ước mơ, ra trường tìm kiếm việc làm".
Bức tranh vẽ giấc mơ của những cậu bé tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt) |
Chia tay trung tâm, chúng tôi không thể quên được câu nói của Quốc Khánh: “Con cũng mơ các bạn nghèo đều được vào mái ấm. Các bạn sẽ có chỗ chơi đùa, có các mẹ chăm sóc, được ăn ngủ mà không còn phải lo lắng nữa. Mà không biết mơ vậy có được không. Đây là bức vẽ mơ ước của con".
Nói đoạn, Khánh đưa cho chúng tôi xem bức tranh em ghi lại cảnh tại chính Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội. Ở đó, có cây cây xanh, có ông mặt trời đang tỏa nắng và có cả nụ cười của những thiên thần nhỏ ngây thơ.