Gia Viễn - điểm tựa truyền thống làm động lực “hóa rồng”

Những năm gần đây, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) từng bước trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của tỉnh Ninh Bình. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã phát huy lợi thế sẵn có về địa chính trị, tận dụng tốt thời cơ và điều kiện thuận lợi về kinh tế để đưa vùng đất chiêm trũng còn nhiều khó khăn vươn mình “hóa rồng”.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ cấu kinh tế của Gia Viễn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ chiếm 97%. (Ảnh: Văn Lúa)
Cơ cấu kinh tế của Gia Viễn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ chiếm 97%. (Ảnh: Văn Lúa)

Không nhiều người biết huyện Gia Viễn ngày nay chính là quê hương của Đinh Tiên Hoàng đế - vị hoàng đế phất cờ lau dẹp loạn, thống nhất 12 sứ quân và Thiền sư Nguyễn Minh Không - bậc Thánh hiền được tôn là Lý triều Quốc sư (cách gọi khác là Lý Quốc Sư) thời nhà Lý.

Có lẽ vì thế mà người Gia Viễn vừa có cái trầm tĩnh, kiên định đặc trưng của vùng đất biên viễn xưa, vừa có cái uy dũng của bậc đế vương lại vừa có cái trí, đức của bậc thánh hiền.

Những năm gần đây, với những bước đi vững vàng, Gia Viễn từng bước vươn mình trở thành một trong những trung tâm kinh tế vùng, là động lực cho sự phát triển vượt bậc của tỉnh Ninh Bình.

Gia Viễn - điểm tựa truyền thống làm động lực “hóa rồng” ảnh 1

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam. (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình)

Có thể miêu tả sự phát triển hiện nay của Gia Viễn bằng màu sắc thì đó là ba gam màu nổi bật nhưng vô cùng hài hòa.

Đó là màu xanh của rừng núi, hoa màu, cây trái; màu nâu là quần thể các khu du lịch văn hóa, tâm linh; màu trắng sáng trùng trùng điệp điệp tượng trưng cho các khu, cụm công nghiệp.

Trong đó nổi bật là Khu công nghiệp Gián Khẩu; 3 cụm công nghiệp là Gia Phú, Gia Lập, Gia Vân với các nhà máy lớn chuyên về lắp ráp ô-tô; sản xuất linh kiện điện tử, xi-măng; may mặc… đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm trung bình đạt 12.036,2 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn Phạm Văn Tam khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; nâng cao năng lực, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp; phát huy nội lực, chủ động sáng tạo khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, vượt qua mọi khó khăn, đẩy nhanh phát triển kinh tế; tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, ứng dụng nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển văn hóa xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế; phấn đấu đưa Gia Viễn cơ bản đáp ứng các tiêu chí trở thành thị xã vào năm 2030, góp phần cùng tỉnh Ninh Bình thực hiện thắng lợi mục tiêu tỉnh Ninh Bình cơ bản đạt các tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2030.

Là cửa ngõ phía bắc của tỉnh Ninh Bình, tiếp giáp 3 tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, nằm trên trục giao thương quan trọng của khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, các tỉnh bắc trung bộ, Gia Viễn là điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn. Điều đó tạo thuận lợi cho địa phương phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Bên cạnh đó, với địa thế núi non hiểm trở, thiên nhiên đã ban tặng cho Gia Viễn những thắng cảnh non xanh thủy tú, vô cùng thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên cũng đặt con người nơi đây thường xuyên phải đối mặt, chống chọi và vượt qua thiên tai khắc nghiệt. Điều đó đã tôi luyện và hun đúc nên con người Gia Viễn những phẩm chất tốt đẹp và cao quý.

Phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương…huyện Gia Viễn đã có nhiều chính sách ưu đãi cụ thể, thiết thực, nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tranh thủ các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đưa tốc độ phát triển kinh tế của huyện nhiều năm liền đạt mức cao và bền vững (bình quân đạt hơn 25%/năm), quy mô kinh tế hơn 40.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ (hiện chiếm 97%).

Gia Viễn - điểm tựa truyền thống làm động lực “hóa rồng” ảnh 2

Khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn) là một trong ba trung tâm lắp ráp ô-tô lớn nhất cả nước. (Ảnh: Thanhcong)

Đặc biệt, với lợi thế là vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, huyện đã và đang tập trung phát triển mạnh du lịch.

Nhiều mô hình với cách làm hay và đầy sáng tạo trong phát triển du lịch đã và đang được triển khai hoạt động hiệu quả, như: Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính (xã Gia Sinh); Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (xã Gia Vân); suối khoáng Kênh Gà (xã Gia Thịnh); điểm tham quan du lịch hang Bóng, hang Cá, động Địch Lộng (được xếp là "Nam thiên đệ tam động"- động đẹp thứ ba trời Nam)… Những di tích lịch sử như: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng - lăng Phát tích, chùa Kỳ Lân (Gia Phương); Thung Lau, Thung Lá (Gia Hưng); đền Đức Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến)… đã và đang trở thành những điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách.

Đây là yếu tố chủ yếu giúp ngành thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục phát triển toàn diện, tăng trưởng bình quân 9,7%/năm, gấp gần 3,8 lần so với năm 2020. Năm 2023, huyện đã thu hút 1,7 triệu lượt du khách, tăng 47,8% về lượt khách và 72% về doanh thu so với năm 2022.

Gia Viễn - điểm tựa truyền thống làm động lực “hóa rồng” ảnh 3

Vân Long nằm ở phía đông bắc huyện Gia Viễn, là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình)

Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ, nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh được đầu tư xây dựng, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.

Năm 2020, huyện Gia Viễn được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 90 thôn (xóm) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025 và phấn đấu quy hoạch huyện là đô thị loại IV trước năm 2030.

Gia Viễn - điểm tựa truyền thống làm động lực “hóa rồng” ảnh 4

Gia Viễn đã chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tạo động lực thúc đẩy, thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Trường Huy)

Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, công tác giảm nghèo được thực hiện quyết liệt, bảo đảm an sinh xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,92% (giảm 0,4% so với năm 2022), hộ cận nghèo còn 1,81% (giảm 0,35% so với năm 2022). Quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và môi trường xã hội lành mạnh để thu hút đầu tư.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực. Khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố. Những kết quả đạt được trong những năm qua giúp cho Gia Viễn tự tin “hóa rồng”.

Gia Viễn - điểm tựa truyền thống làm động lực “hóa rồng” ảnh 5

Hoạt động kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế tại khu di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) dịp lễ kỷ niệm 1100 năm Ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế. (Ảnh: NGỌC LÊ)

Những thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Viễn đạt được mang đậm dấu ấn của truyền thống và khí phách hào hùng của con người vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Năm nay, Gia Viễn tổ chức Kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng đế (924-2024). Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Viễn ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.