Gia tăng nợ bảo hiểm ở Ðắk Nông

NDO - Tình trạng nợ đọng các loại bảo hiểm tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn tiếp tục gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty TNHH MTV Nam Nung, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông dẫn đầu danh sách nợ bảo hiểm toàn tỉnh với 89 tháng, số tiền nợ 22,327 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Nam Nung, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông dẫn đầu danh sách nợ bảo hiểm toàn tỉnh với 89 tháng, số tiền nợ 22,327 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở Đắk Nông là 50,233 tỷ đồng, chiếm 4,51% kế hoạch Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao, tăng 0,14% so cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc 46,393 tỷ đồng, tăng 0,02%; nợ bảo hiểm thất nghiệp 984 triệu đồng, tăng 22,02%.

Ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, thì nguyên nhân chính vẫn là doanh nghiệp chưa ý thức trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn khá phổ biến, nhưng việc xử lý các đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, toàn tỉnh Đắk Nông có đến 130 đơn vị đã giải thể, phá sản, bị khởi kiện ra tòa, với tổng số nợ là 37,418 tỷ đồng, chiếm 3,36%.

Điển hình như Công ty TNHH MTV Nam Nung nợ 89 tháng, với số tiền 22,327 tỷ đồng; Chi nhánh Tây Nguyên Công ty TNHH MTV 508 nợ 148 tháng, với số tiền 3,592 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đông Bắc nợ 101 tháng, với số tiền 921 triệu đồng; Công ty cổ phần Chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh nợ 20 tháng, số tiền 570 triệu đồng...

Việc nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động; nhất là, khi người lao động bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ. Một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ hưu trí, khiến cuộc sống khó khăn.

Bên cạnh đó, tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng, lách luật để giảm bớt mức đóng bảo hiểm xã hội ngày càng tăng. Nhiều hộ gia đình đăng ký thành lập công ty nhưng vốn ít, kinh doanh thua lỗ, dẫn đến tình trạng nợ đọng các loại bảo hiểm kéo dài.

Hiện nay, chức năng thanh tra chuyên ngành chưa được giao cho bảo hiểm xã hội cấp huyện nên có phần hạn chế trong việc xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội; dẫn tới tình trạng một số đơn vị không chấp hành nghĩa vụ thanh tra, kiểm tra như: Không tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra, không xuất trình hoặc xuất trình không đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu, không đồng ý ký biên bản vi phạm…