Giảm tỷ lệ chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội

Theo thống kê, năm 2022, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế xuống còn 12.988 tỷ đồng, chiếm 2,91% so với số phải thu. Ðây là tỷ lệ chậm đóng trên số phải thu thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 con số này là 6%). Việc tập trung giảm số tiền chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất bảo đảm các quyền lợi cho người tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân may quần áo xuất khẩu tại Xí nghiệp may Hà Quảng, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)
Công nhân may quần áo xuất khẩu tại Xí nghiệp may Hà Quảng, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)

Năm 2023, với mục tiêu giảm tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để toàn ngành triển khai, tập trung vào mục tiêu gia tăng hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đơn vị sử dụng lao động, đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quá trình thực hiện...

Phát huy hiệu quả của công tác thanh tra

Năm 2022, một giải pháp được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai hiệu quả là tổ chức linh hoạt hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia không đầy đủ, doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên; đồng thời, kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ khởi tố đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm... Thống kê cho thấy, trong năm 2022, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị (bằng 215% so với cùng kỳ năm 2021) và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số tiền các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 3.298 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng là 3.068 tỷ đồng (bằng 93%), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện hơn 74.000 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 200 tỷ đồng (bằng 156,8% so với năm 2021); yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gần 90 tỷ đồng (bằng 160% so với năm 2021).

Ðánh giá đây là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp giảm số tiền chậm đóng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của bảo hiểm xã hội các địa phương trong việc chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, tham gia các đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP tại một số địa phương, đơn vị, doanh nghiệp...

Ðặc biệt, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở lợi thế là có hệ thống dữ liệu lớn, thường xuyên được hoàn thiện, bổ sung các bộ tiêu chí nhận diện rủi ro..., ngành xác định trọng tâm, trọng điểm thông qua việc sàng lọc, nhận diện dấu hiệu cảnh báo, chọn mẫu từ dữ liệu có sẵn để tiến hành thanh tra, kiểm tra với phạm vi rộng; thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử. Nhờ đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã rút ngắn thời gian, kinh phí, nhân lực, giảm thời gian làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Giữ vững mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người tham gia chính sách

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, năm 2023 dự kiến có nhiều thách thức hơn trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khi kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh lương thực... gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và phát sinh mới cần phải tập trung giải quyết... Những yếu tố bất lợi tác động đến nền kinh tế đất nước nêu trên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Những khó khăn mà cơ quan Bảo hiểm xã hội đang gặp phải là tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hoặc chậm đóng số tiền lớn, thời gian kéo dài. Trong khi đó, công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả...

Năm 2023, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ số tiền chậm nộp/số phải thu là 2,93%, tỷ lệ này càng thấp đồng nghĩa với việc càng bảo đảm quyền lợi người lao động. Ðặc biệt, những kinh nghiệm thành công của năm 2022 sẽ tiếp tục được bảo hiểm xã hội các địa phương nhân rộng, đồng thời linh hoạt bám sát thực tiễn để phát triển người tham gia; giảm và thu hồi tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Toàn ngành sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.