Giá nhiều loại hàng hóa nguyên liệu đang bước vào chuỗi giảm kéo dài

Liên tục giảm 3 ngày liên tiếp, chỉ số hàng hóa MXV-Index đã rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần qua, phản ánh xu hướng giảm chung của thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Đóng cửa ngày 1/9, chỉ số trên giảm thêm 2,5% xuống còn 2.553 điểm. Tuy nhiên, do tính chất giao dịch 2 chiều của thị trường hàng hóa phái sinh, giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) tăng 22% trong ngày hôm qua, đạt 5.574 tỷ đồng, mức cao nhất từ giữa tháng 6 tới nay.

Giá nhiều loại hàng hóa nguyên liệu đang bước vào chuỗi giảm kéo dài ảnh 1

Triển vọng kinh tế vĩ mô tiêu cực gây sức ép lên toàn thị trường

Bóng đen Covid-19 tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh của thị trường hàng hóa, sau khi Chính phủ Trung Quốc phong tỏa thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên vào ngày hôm qua.

Đô thị này chiếm 1,7% GDP của Trung Quốc và là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ và sản xuất ô-tô lớn như Toyota, VW Trung Quốc, Foxconn và Apple.

Thông tin này đến sau Báo cáo Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 8 vẫn ở dưới mức 50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất của nước này vẫn ở mức co cụm.

Mặc dù có sự hồi phục so với tháng trước, nhưng nhìn chung, các ngành sản xuất mũi nhọn của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 lớn nhất kể từ tháng 4 tới nay, kết hợp với lo ngại lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Giá nhiều loại hàng hóa nguyên liệu đang bước vào chuỗi giảm kéo dài ảnh 2

Các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc ngay lập tức gây ra tác động mạnh lên giá nhiều loại hàng hóa quan trọng trong ngày giao dịch 1/9/2022.

Giá dầu WTI trên sở NYMEX giảm 3,3% xuống còn 86,61 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent trên sở ICE giảm 3,4% xuống mức 92,36 USD/thùng.

Giá dầu hiện đang trải qua 3 ngày giảm liên tiếp và xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần, khi nhu cầu có dấu hiệu sụt giảm trong khi nguồn cung đang có những triển vọng tích cực hơn.

Mới đây, Tập đoàn dầu khí Cheveron của Mỹ đã trình lên chính phủ đơn xin cấp phép được hoạt động tại Venezuela. Trong khi đó, 5 nguồn tin của Reuters cho biết, OPEC có thể sẽ chưa ra đề xuất cắt giảm sản lượng trong cuộc họp ngày 5/9 sắp tới.

Đối với nhóm nông sản đang liên thông giao dịch với sở Chicago, đậu tương đã kéo dài chuỗi giảm sang ngày thứ tư liên tiếp, với mức giảm 1,9% trong ngày hôm qua, xuống còn 512,49 USD/tấn.

Các mặt hàng khác trong nhóm nông sản như ngô, dầu đậu tương và lúa mì cũng đồng loạt sụt giảm mạnh.

Bên cạnh yếu tố Trung Quốc, các thông tin tích cực hơn về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất lớn đang là nguyên nhân khiến giá nông sản đảo chiều giảm lại trong những ngày gần đây.

Giá nhiều loại hàng hóa nguyên liệu đang bước vào chuỗi giảm kéo dài ảnh 3

Trong khi đó, nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến ngày giảm thứ năm liên tục của thị trường cà phê. Giá cà phê Arabica giảm thêm 1,17% xuống còn 5.125 USD/tấn và giá cà phê Robusta giảm gần 1% xuống còn 2.228 USD/tấn.

Đáng chú ý nhất trong hôm qua là mức giảm kịch sàn 4,42% của giá bông thế giới. Đây là mặt hàng mà Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ lớn nhất thế giới, nên chịu áp lực mạnh bởi triển vọng kinh tế tiêu cực của nước này.

Việc giá dầu giảm cũng khiến giá polyester, chất thay thế chính của bông suy yếu, kéo theo giá bông giảm mạnh.

Đồng USD Mỹ lên cao nhất 20 năm, giá kim loại tiếp tục đỏ lửa

Trước thềm công bố Bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 của Mỹ vào tối nay, dữ liệu quan trọng nhằm phân tích nguy cơ suy thoái kinh tế thông qua biến động của thị trường lao động, tâm lý của các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp trong tuần này giảm nhẹ 5.000 so với tuần trước đó, xuống mức 232 nghìn người. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 2 tháng qua, làm dấy lên lo ngại về không gian nới rộng trong tiến trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Bên cạnh đó, vào hôm qua, Chủ tịch FED Atlanta, Raphael Bostic, cho biết chiến dịch hạ nhiệt lạm phát vẫn chưa hoàn tất, trong bối cảnh giá cả vẫn đang ở mức quá cao.

Các bình luận cứng rắn của các quan chức FED trong những ngày gần đây tiếp tục làm gia tăng nguy cơ rằng lãi suất sẽ tăng mạnh trong kỳ họp tháng 9 sắp tới.

Các thông tin tiêu cực này đã khiến chỉ số Dollar Index, chỉ số thể hiện sức mạnh của đồng USD Mỹ, tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm, gây áp lực lớn đối với thị trường hàng hóa nói chung, và nhóm kim loại nói riêng.

Đóng cửa ngày 1/9, toàn bộ các sản phẩm kim loại đang giao dịch tại MXV đều giảm giá. Các mặt hàng kim loại chủ chốt như bạc, bạch kim và đồng đều đang có chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp, với triển vọng giá rất ảm đạm trong ngắn hạn.

Giá nhiều loại hàng hóa nguyên liệu đang bước vào chuỗi giảm kéo dài ảnh 4

Giá quặng sắt trên sở Singapore giảm 5,1% xuống còn 95,46 USD/tấn và ở rất gần mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021 tới nay. Quặng sắt là nguyên liệu để sản xuất thép, nên đà giảm mạnh của mặt hàng này có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới giá thép xây dựng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Vào ngày 31/8, giá thép trong nước đã tăng hơn 800 nghìn đồng/tấn, là lần tăng đầu tiên sau 15 đợt điều chỉnh giảm giá trước đó.

Giá thép tăng trở lại đúng như dự đoán của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Đơn vị này từng nêu quan điểm, vật liệu xây dựng trọng yếu trên có khả năng phục hồi trở lại vào cuối quý III và những tháng cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo MXV, nếu giá quặng sắt tiếp tục sụt giảm về mức thấp nhất kể từ quý IV/2021, giá thép xây dựng có thể sẽ tiếp tục quay trở lại chu kỳ giảm giá trong phần còn của tháng 9.

Khi bước vào quý IV, thị trường có thể sẽ đón nhận các thông tin khởi sắc hơn, và giá sẽ có sự hồi phục do nhu cầu xây dựng tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm.