Nhìn lại bức tranh giá cả hàng hóa

Mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước sáu tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng do áp lực từ biến động tăng cao của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược. Tuy nhiên, về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Giá xi-măng từ cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng nhẹ. Ảnh: NAM ANH
Giá xi-măng từ cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng nhẹ. Ảnh: NAM ANH

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Đánh giá từng lĩnh vực của công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu sáu tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh giá xăng, dầu thị trường thế giới liên tục tăng cao, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp thông qua việc sử dụng các công cụ bình ổn giá xăng, dầu theo quy định tại Luật Giá và Nghị định 95/2021/NĐ-CP. Trong đó, Bộ Công thương đã áp dụng các giải pháp về bảo đảm nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng, dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý; đồng thời, công cụ Quỹ bình ổn giá (BOG) được sử dụng linh hoạt để bình ổn thị trường tại các kỳ điều hành (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) khi giá thế giới tiếp tục tăng và ở mức cao nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng, dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, phục vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay để góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; Nghị quyết điều chỉnh giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng (trừ ethanol), dầu diesel, dầu nhờn và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa để góp phần bình ổn giá xăng, dầu trong nước. Hiện đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó xin ý kiến phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 12% nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu. Đồng thời, Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

Đáng lưu ý, giá vật tư và sản phẩm nông nghiệp có chiều hướng tăng mạnh. Giá thức ăn chăn nuôi trong nước năm tháng đầu năm tăng từ 14,5-15,5% so cùng kỳ do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Với bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và ảnh hưởng của thời tiết bất lợi nên dự báo giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước trong thời gian tới tiếp tục tăng nhẹ. Giá phân bón trong nước hiện đang ở mức cao so các năm trước bởi giá phân bón trên thế giới tăng, cũng như các nguyên liệu nhập khẩu và chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón trong nước ở mức cao. So thời điểm cuối năm 2021, hiện các loại phân đạm (ure) tăng từ 2.400 - 3.100 đồng/kg; phân DAP tăng khoảng 2.000 đồng/kg; phân kali tăng từ 2 - 2,8 lần so giá của hai năm trước...

Riêng giá sách giáo khoa trong năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định cho phép phát hành các bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới các lớp 3, 7, 10. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành hai thông báo bổ sung các tổ chức, cá nhân vào danh sách đơn vị thực hiện kê khai giá tại Cục Quản lý giá. Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa của các đơn vị thuộc diện kê khai giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 mới theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn. Đến nay, các đơn vị đã kê khai điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa, mức giảm phổ biến trong khoảng từ 5-15% tùy từng cuốn sách.

Trong thời gian tới, trước mắt Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn; đồng thời đang rà soát, đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá năm 2012, theo đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá.

Đối với giá dịch vụ giáo dục (học phí): đối với năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ sở giáo dục xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp, góp phần bình ổn giá và bảo đảm an sinh xã hội, có chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch thông tin về giá dịch vụ giáo dục, giá sách giáo khoa, vật tư, thiết bị giáo dục.

Ở thị trường trong nước, các mặt hàng nguyên vật liệu cũng chịu tác động lớn từ giá thế giới. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, giá thép xây dựng trong nước bắt đầu có chiều hướng tăng trở lại từ nửa đầu tháng 1/2022 và cao điểm trong khoảng tháng 3/2022 với mức giá dao động khoảng 19-20 triệu đồng/tấn, tăng 12% so với cuối quý IV/2021 trước khi có chiều hướng giảm về mức 17-18,2 triệu đồng/tấn từ nửa cuối tháng 5/2022 đến nay. Giá thép trong nước giảm mạnh từ nửa cuối tháng 5 do ảnh hưởng bởi nhu cầu thép sụt giảm tại thị trường Trung Quốc; hàng tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy trong nước ở mức cao và việc triển khai các dự án xây dựng trong nước có xu hướng chậm.

Giá xi-măng từ cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng nhẹ (4-6%) do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi-măng đều tăng, nhất là than. Từ tháng 3/2022 đến nay, mặt hàng này cơ bản giữ mức giá ổn định khoảng 1.200-2.900 đồng/kg, tăng khoảng 15% so quý IV/2021. Tuy nhiên, hiện vẫn có sự chênh lệch giá theo khu vực khi giá xi-măng ở miền nam ở mức tương đối cao do nguồn cung thấp.

Ngoài ra, chi phí nhiên liệu (hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí của hoạt động vận tải) đã khiến giá cước vận tải tăng cao. Hiện, giá cước vận tải đường bộ tăng từ 10-15%, cước vận tải hàng hóa đường bộ tăng từ 7-10%, vận tải hàng hóa đường sắt tăng từ 3-5%, vận tải đường thủy nội địa tăng 10%. Giá cước vận tải hành khách công cộng, vận tải hành khách đường sắt cơ bản vẫn giữ ổn định. Đối với vận tải hàng hải, do giá cước đã ở mức rất cao từ cuối năm 2020 nên hầu hết các hãng tàu chưa điều chỉnh tăng giá; một số hãng tàu đã điều chỉnh tăng phụ thu giá nhiên liệu từ tháng 3/2022. Riêng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được giữ ổn định.

Trong nửa cuối năm 2022, nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát. Chính vì vậy, hoạt động kinh tế-xã hội hiện đang trông chờ vào động thái điều hành của cơ quan chức năng, đặc biệt là các giải pháp về thuế, phí và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng cho hoạt động sản xuất,

kinh doanh.