Ổn định cung ứng hàng hóa với giá cả hợp lý

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cho nên chợ đầu mối nông sản - thực phẩm Hóc Môn  đã phải đóng cửa từ ngày 28-6 và đến nay đã có hơn 90 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố phải đóng cửa. Trước tình hình này, ngành công thương thành phố đang nỗ lực cao độ để bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa với giá cả hợp lý cho người dân.
 

Người tiêu dùng mua thịt heo ở một siêu thị Co.opmart.Ảnh: CTV
Người tiêu dùng mua thịt heo ở một siêu thị Co.opmart.Ảnh: CTV

Chợ đầu mối nông sản - thực phẩm Hóc Môn tạm ngừng hoạt động, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã điều tiết lượng nông sản, thực phẩm hàng hóa về hai chợ đầu mối nông sản - thực phẩm còn lại là chợ Thủ Ðức và chợ Bình Ðiền. Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố và TP Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, những ngày gần đây, tổng lượng hàng hóa về chợ đầu mối Thủ Ðức và Bình Ðiền đã giảm từ 10% đến 15% so với những ngày giữa tháng 6/2021. Riêng lượng thịt heo, thủy - hải sản cùng thịt gia cầm nhập về hai chợ đầu mối này tăng nhẹ, giá ổn định và có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm (vì ảnh hưởng dịch). Sản lượng mặt hàng rau, củ, quả về các chợ đầu mối giảm mạnh nhưng giá cả lại biến động trái chiều; có những loại giá tăng từ 10% đến 50%, nhưng cũng có những loại thì giá lại giảm tương đương. Theo một số tiểu thương, giá rau, củ, quả tăng là do chi phí vận chuyển và nhân công tăng. Tuy vậy, sức mua tại các chợ truyền thống lại giảm từ 20% đến 30%, có chợ giảm tới 60%. Ngược lại, sức mua tại các siêu thị tăng từ 20% đến 30% so với ngày thường.

Ðể hàng hóa từ các địa phương khác vào thành phố không ách tắc, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Giao thông vận tải thành phố hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp phép lưu thông liên tục trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa lương thực - thực phẩm từ nơi sản xuất, kho hàng đến điểm bán hàng bình ổn thị trường, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị phong tỏa, bệnh viện...

Bên cạnh đó, các hệ thống bán lẻ đã tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu để bảo đảm cung ứng liên tục cho người tiêu dùng. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã bổ sung khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang mua sắm trực tuyến https://cooponline.vn, trong đó có khoảng 500 mặt hàng được giảm giá mạnh. Saigon Co.op cũng tăng gấp đôi sản lượng thịt heo cung ứng trên toàn hệ thống bán lẻ. Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) tăng công suất giết mổ thêm 300 con heo lên hơn 1.000 con mỗi ngày để cung cấp cho các hệ thống bán lẻ; đồng thời giảm giá từ 10% đến 20% đối với nhiều mặt hàng thịt heo, thịt bò Australia (Ô-xtrây-li-a) trong tháng 7/2021. Các hệ thống bán lẻ như Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA)… phối hợp các địa phương phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu đến người dân với giá bình ổn dưới hình thức bán hàng lưu động, hoặc bán hàng theo nhu cầu đăng ký trước. Các hệ thống bán lẻ cũng chủ động chuẩn bị để mở cửa trở lại trong vài ngày tới những cửa hàng thực phẩm tiện lợi đang bị phong tỏa khi hết thời gian cách ly và đủ điều kiện an toàn cho hoạt động.

Thực tế hiện nay, các chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng ở thành phố, chiếm từ 60% đến 70% tổng lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân. Do đó, việc có nhiều chợ truyền thống đóng cửa khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn, thói quen mua sắm bị đảo lộn, tốn nhiều tiền hơn cho tiêu dùng hằng ngày do giá cả tăng.

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa hoạt động thương mại bình thường trở lại, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho tiểu thương và duy trì việc cung ứng lương thực - thực phẩm thiết yếu cho phần lớn người dân thành phố cũng như không để xảy ra tình trạng găm hàng, trục lợi, tăng giá bán hàng hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Theo đó, Sở Công thương thành phố đã đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Ðức rà soát các chợ đang tạm ngưng hoạt động. Với những chợ có ca F0 cần nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC); với các chợ có ca F1, F2 hoặc không đủ điều kiện phòng dịch thì nhanh chóng khắc phục, tăng cường các biện pháp phòng dịch để mở cửa trở lại trong thời gian sớm nhất.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm, sở đã phối hợp các sở, ngành, đơn vị chức năng liên quan để theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường, thông tin và phối hợp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến trên địa bàn, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Ngành công thương và các doanh nghiệp chủ lực sẽ luôn bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân trong mọi tình huống.