Báo cáo Chính phủ về tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán, Bộ Tài chính cho biết, giá cả thị trường trong dịp Tết năm nay vẫn giữ được xu hướng bình ổn, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.
Chuẩn bị lượng hàng dồi dào
Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhưng thời điểm giáp Tết, các hoạt động kinh tế hồi phục dần nên công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động triển khai sớm. Theo thông lệ hằng năm, hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt, trứng, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia,... nguồn cung khá dồi dào. Hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đánh giá, sức mua của người dân vẫn bị ảnh hưởng sau dịch nên lượng hàng chuẩn bị dự trữ tăng thấp, có mặt hàng không tăng. Căn cứ diễn biến cung cầu hàng hóa thực tế trên thị trường, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng hàng. Để góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, các bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân. Các doanh nghiệp được khuyến khích tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, giảm giá bán.
Do diễn biến của dịch Covid-19, hoạt động mua sắm của người dân cũng trầm lắng hơn so với cùng thời điểm các năm trước. Bộ Tài chính cũng cho biết, do hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã được triển khai chủ động từ trước đó, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, lưu thông thông suốt trên cả nước, nên về cơ bản, lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn. Nhiều siêu thị mở cửa xuyên Tết nên nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết tại các tỉnh, thành phố lớn.
Sáng mồng 1 Tết, trên cả nước, hầu hết các chợ và trung tâm thương mại đều đóng cửa, riêng Trung tâm thương mại Aeon Mall, Lotte vẫn mở cửa, phục vụ từ 12 giờ đến 22 giờ,... Các cửa hàng tiện lợi như Circle K, Family Mart, Shop&Go,… vẫn mở cửa phục vụ người dân 24/24.
Giá cả ít biến động
Ngày 4/2 (mồng 4 Tết), hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, chợ… trên địa bàn Hà Nội đều đã mở cửa, bán hàng trở lại. Nhìn chung, hàng hóa khá dồi dào, phong phú, giá không tăng nhiều so với thời điểm cận Tết. Tại một số chợ, quầy rau xanh, thịt tươi sống đã bày bán từ mồng 2 nhưng phải sang mồng 3, mồng 4, khi nhiều gia đình làm lễ hóa vàng, không khí mua bán mới nhộn nhịp. Khảo sát tại các chợ Hôm-Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Hàng Bè... cho thấy, các mặt hàng rau, củ, quả tươi, thủy, hải sản, thịt bò, thịt lợn, gà, hoa tươi… rất dồi dào. Giá bán phổ biến ở mức: thịt lợn từ 100 đến 150 nghìn đồng/kg tùy loại; thịt bò từ 250 đến 330 nghìn đồng/kg; gà ta lông từ 130 đến 150 nghìn đồng/kg; tôm sú (loại 26-30 con/kg) từ 420 đến 550 nghìn đồng/kg; cá trắm trắng từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg. Thời tiết thuận lợi nên rau xanh phát triển tốt, nguồn cung rất dồi dào, giá như ngày thường.
Sáng mồng 4, hầu hết siêu thị như Big C, Aeon, Winmart, BRG mart… đều đã mở cửa hoạt động bình thường. Để kích cầu tiêu dùng, nhiều siêu thị áp dụng chương trình lì xì, giảm giá, khuyến mại đầu năm. Trong mấy ngày Tết, nhiều quán cà-phê, giải khát vẫn mở cửa phục vụ. Do nhu cầu đến các điểm vui chơi tăng cao trong mấy ngày Tết, dịch vụ trông giữ xe cũng được dịp nở rộ, nhất là quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm với mức giá khá cao. Giá gửi xe máy phổ biến ở mức 20 đến 30 nghìn đồng/xe; giá gửi ô-tô từ 50 đến 100 nghìn đồng/lượt gửi với thời gian dưới 1 giờ đồng hồ… Tuy giá trông giữ xe tăng gấp nhiều lần ngày thường nhưng các bãi trông giữ xe vẫn hoạt động tấp nập mà không thấy có sự kiểm tra, giám sát, xử lý của lực lượng chức năng.
Tại TP Hồ Chí Minh, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ truyền thống đã mở cửa từ sáng mồng 2 Tết (ngày 2/2). Tuy vậy, trong hai ngày 2 và 3/2, lượng khách đi mua sắm rất ít. Người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (các sản phẩm thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm, rau, củ, quả…), bia, rượu… Giá cả phần lớn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu gần như ổn định so với ngày thường; một số mặt hàng còn có các chương trình khuyến mại, giảm giá.
Trong sáng 4/2, tại các chợ truyền thống và siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, lượng người đi mua sắm rất ít. Người dân chủ yếu mua hoa để bày bàn thờ và thực phẩm tươi sống. Tại các siêu thị Co.opmart, hàng thực phẩm được bán với giá bình ổn, một số mặt hàng được giảm giá khá nhiều: trứng gà giảm giá từ 10 đến hơn 30% (tùy loại); thịt heo, thương hiệu VISSAN, Sagrifood, San Hà, Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân… giảm từ 10 đến 20%; thịt gia cầm giảm từ 20 đến 40%…
Tại chợ truyền thống, giá cả hàng hóa khác nhau tùy khu vực. Chị Nguyễn Kim Thủy (đường Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận) cho biết: Sáng 4/2 chị đi chợ Nguyễn Đình Chiểu (cùng quận Phú Nhuận) thì thấy giá cả phần lớn mặt hàng không tăng so với trước Tết. Một số mặt hàng tăng giá nhẹ khi chỉ có vài người bán. Tại các siêu thị và điểm bán hoa tươi lẻ, người dân chọn mua khá nhiều. Hoa rẻ và đẹp hơn những năm trước.
Ngày 4/2, các chợ, siêu thị tại TP Đà Nẵng đã mở cửa trở lại, tuy nhiên, lượng tiểu thương tới bán những ngày đầu chưa đông, chỉ khoảng 30%. Các mặt hàng chủ yếu là rau hành, trái cây, hoa tươi, thịt heo. Theo ghi nhận chung, giá cả ngày 4/2 tương đối ổn định, không tăng giá: như thịt mông 110.000 đồng/kg, ba chỉ 140.000 đồng, thịt vai 100.000 đồng; rau cải xanh 20.000 đồng/kg, cà-rốt 20.000 đồng/kg, khoai tây 25.000 đồng/kg, xà lách 20.000 đồng/kg; trái cây giá rẻ hơn so với trước Tết như cam 35.000 đồng/kg, quýt 50.000 đồng/kg… Tiểu thương ở các chợ cũng chủ yếu bán bên ngoài để mở hàng, chưa vào bên trong chợ nhiều để tiện phục vụ khách ghé mua. Người dân cũng bắt đầu ra chợ mua thực phẩm tươi để nấu những bữa ăn mới, hoặc mua cá chép, hoa, trái cây để cúng tổ tiên.
Chị Nguyễn Thị Sim, tiểu thương chợ Đống Đa (quận Hải Châu) mở bán từ ngày 3/2 để lấy ngày với mặt hàng chủ yếu là thịt heo và rau xanh. “Giá cả hôm nay ổn định hơn nhiều so với ngày mồng 3 do lượng hàng về nhiều, tiểu thương bán trở lại cũng đông hơn, người dân tới mua chưa đông so với ngày thường nhưng việc mua bán rất nhanh chóng, mong rằng khởi đầu thuận lợi cho cả năm mua may bán đắt”