Năm 2011, ông Lộng quyết định xây một bể cua giống nuôi thử, kết quả rất khả quan, cua phát triển, sinh sản nhanh. Năm 2012, ông Lộng thuê khu đất ruộng với diện tích một ha của thôn để nuôi cua kết hợp cấy lúa. Tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong ao như bèo, các loại phù sinh, ông Lộng còn bổ sung thêm nguồn thức ăn cám gạo, bột ngô ngâm chua trộn với cá tạp, ốc bươu vàng băm nhỏ... Mỗi ngày, cho cua ăn hai lần vào buổi sáng và chiều tối, sau khoảng một thời gian cua lớn thì giảm dần lượng thức ăn, tuần cho ăn hai đến ba lần. Với 100 kg giống ban đầu sau hai tháng nuôi, ông bắt đầu thu được khoảng 300 kg cua thịt với giá bán buôn tại nhà là 90 nghìn đồng/kg, bán được khoảng 27 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, thức ăn, thu lãi khoảng 15 triệu đồng.
Ông Lộng cho biết, cua đồng được nuôi tại đồng đất chiêm trũng là phù hợp nhất, cua nhanh lớn và sinh sản nhanh. Nuôi cua có rất nhiều lợi thế, cua là loài ăn tạp, rất dễ nuôi, nguồn thức ăn dễ tìm kiếm, giá rẻ, chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, cua lại ít bị bệnh, chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn, không tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế đem lại khá cao.
So với cấy lúa thì nuôi cua đồng nhàn và lãi cao hơn rất nhiều.
Cua đồng là loài sinh sản gần như quanh năm, tập trung từ tháng 4 đến tháng 8, do vậy nuôi cua chỉ mất vốn mua giống đầu tư ban đầu sau đó cua tự đẻ. Cua phát triển mạnh nhất vào những tháng hè. Tuy nhiên, về mùa đông cũng có thể nuôi cua nhưng điều kiện về nhiệt độ, môi trường không thuận lợi ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, nên cua phát triển chậm hơn, kéo dài thời gian được xuất bán là bốn tháng. Mỗi năm gia đình ông thu về hơn 60 triệu đồng tiền lãi.
Từ mô hình nuôi cua đồng của gia đình ông Lộng, nhiều người dân trong và ngoài xã quan tâm và đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.