Hái sao trên trời
"Khi chúng tôi nghiên cứu chế tạo vật liệu Chitosan (chiết xuất từ vỏ tôm, cua) dùng cho y tế nông nghiệp, nhiều người cho là chúng tôi viển vông, đi hái sao trên trời" - PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phòng Polyme dược phẩm - Viện Hóa học (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) bắt đầu câu chuyện một cách giản dị như vậy! Viển vông là bởi vật liệu này chưa có nước nào nghiên cứu áp dụng vào hai lĩnh vực trên. Chitosan cũng chưa có tên trong dược điển (kể cả dược điển các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật) để tham khảo.
Vậy mà chỉ sau ba năm nghiên cứu, năm 1997, vật liệu Chitosan do họ nghiên cứu đã được Bộ Y tế công nhận là nguyên liệu dùng làm thuốc chữa bệnh. Từ vật liệu này, các chị đã sản xuất được thuốc kem điều trị nấm, thuốc kem chữa bỏng, tái tạo da, che phủ vết thương, điều trị nhiễm trùng da. Nghiên cứu sâu hơn, các chị phát hiện Chitosan còn rất nhiều tác dụng. Nó có thành phần bổ dưỡng sức khỏe, chống u và ung thư. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chitosan kích thích sự phát triển của hoa, lá, chống nấm đạo ôn, khô vằn cho lúa (sản phẩm Chimex).
Sau Chitosan, các chị tiếp tục nghiên cứu vỏ tôm, cua và sản xuất thành công bột PDP dùng làm phụ gia thực phẩm an toàn, thay thế hàn the. Hiện bột PDP đã được dùng trong chế biến giò, chả, nem chua, thịt hộp, bún, bánh, bảo quản sữa và nước giải khát. Tuy nhiên, theo TS Ngọc Tú, điều làm các chị tự hào nhất là nghiên cứu của các chị đã giải quyết khá triệt để vấn đề môi trường. Mỗi năm, hàng vạn tấn vỏ tôm, cua được thải ra từ các nhà máy chế biến thủy sản đã được chế biến thành những sản phẩm hữu ích thay vì vứt đi làm ô nhiễm môi trường.
Gánh cả sự nghiệp và gia đình
PGS-TS Trần Thị Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy sản cũng nghiên cứu vật liệu Chitosan từ rất sớm cùng thời điểm với Phòng Polyme dược phẩm - năm 1994). Các nghiên cứu về Chitosan của chị được các doanh nghiệp áp dụng rộng rãi và đã xuất khẩu Chitosan, cùng các sản phẩm từ vật liệu này. Trong đó nổi bật nhất là sản phẩm màng mỏng Chitosan dùng để bao gói thực phẩm. Ngoài Chitosan, chị Luyến đã nghiên cứu chế biến thành công Surimi (cũng được chiết suất từ vỏ tôm, cua) để làm hương vị (cho gia vị như bột tôm, cua...). Sản phẩm này đã được chào bán ở Hàn Quốc.
Với nông dân, ngư dân, những nghiên cứu từ phòng thí nghiệm của chị đã giúp họ nâng cao đời sống. Đó là công trình nâng cao hiệu suất thu đạm trong sản xuất nước mắm, giúp người dân một số tỉnh ven biển chuyên sản xuất nước mắm, nâng cao được chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Nghiên cứu về rong nâu ở vùng biển miền trung của chị cũng tạo ra nhiều việc làm cho ngư dân nhờ việc thu hái rong nâu phục vụ sản xuất thạch agar, alginat...
Tuy thành công trong công việc nhưng chị Luyến luôn canh cánh nỗi buồn. Mười năm trước, chồng chị đổ bệnh và liệt nửa người. Chị bùi ngùi: "Thương ảnh vô cùng, bệnh tới mức không nói được, mất trí nhớ, liệt nửa người. Nhiều đêm vừa khóc, vừa chăm chồng, vừa tủi thân vì không có một lời động viên". Có những đợt anh trở bệnh nặng, chị đau bại một bên vai vì phải đỡ chồng đi lại, vệ sinh. 30 năm nay, chị chưa biết tới du lịch, nghỉ ngơi. Vậy mà nói về công việc, chị vẫn nhiệt tình như thuở thanh niên, luôn "đi trước một bước" để hoàn thành nhiệm vụ.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, ông bà GS-TS Neal Kobitz và Ann Kobitz - sáng lập viên đồng thời là Giám đốc Quỹ Kovalevskaia đã tới Việt Nam dự lễ trao giải Kovalevskaia 2003-2004. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng tham dự buổi lễ và trao giải.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ann Kobitz khẳng định, những chị em đoạt giải Kovalevskaia là những tấm gương lao động kiên trì, tận tụy với công việc, không ngừng vươn lên khắc phục khó khăn và đã đạt được nhiều thành tích trong khoa học và ứng dụng vào thực tiễn.
Hiện tại, ngoài đóng góp tài chính của ông bà Kobitz, Quỹ Kovalevskaia còn được hỗ trợ bởi các nhà khoa học Mỹ, Canada và các nhà hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ngoài Việt Nam, Quỹ này còn trao giải cho phụ nữ của bảy quốc gia khác gồm Peru, El Salvado, Nicaragua, Mexico, Cuba, Nam Phi, Mozambic.