Giá ca-cao giảm sâu 5,67% bất chấp lo ngại thiếu hụt nguồn cung

NDO - Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, giá cà-phê Arabica giảm 0,86% về mức 4.957,09 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà-phê Robusta kết phiên trái chiều tăng 1,40% lên 4.067 USD/tấn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Tồn kho cà-phê đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm, kết hợp cùng số liệu xuất khẩu ảm đạm tại Việt Nam là nguyên dân chính dẫn đến diễn biến giá hai mặt hàng trên.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), tính đến hết ngày 28/6, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giảm thêm 790 bao loại 60kg, đưa tổng số cà-phê đã qua chứng nhận tại đây còn 807.394 bao. Trong khi đó, đồng Real của Brazil yếu đi, thúc đẩy tỷ giá USD/BRL tăng thêm 1,21%, lên mức cao nhất trong hơn 2 năm. Chênh lệch tỷ giá lớn hơn tạo tâm lý nông dân Brazil sẽ tăng bán cà-phê do thu về nhiều ngoại tệ hơn.

Giá ca-cao giảm sâu 5,67% bất chấp lo ngại thiếu hụt nguồn cung ảnh 1

Lượng cà-phê xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng giảm do nguồn cung trong nước dần cạn kiệt. Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, Việt Nam chỉ xuất đi 85.000 tấn cà-phê, bằng 60% lượng cà-phê xuất khẩu cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, nước ta xuất đi khoảng 902.000 tấn cà-phê, giảm 10,6% so cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (2/7), giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng nhẹ, đưa giá thu mua cà-phê trong nước lên mức 120.000-121.300 đồng/kg.

Giá ca-cao tiếp tục giảm mạnh 5,67% về mức 7.293 USD/tấn, neo ở vùng thấp nhất 1 tháng. Thị trường vẫn kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực về thời tiết sẽ hỗ trợ mùa vụ ca-cao tại Tây Phi.

Dù vậy, thị trường hiện tại vẫn trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Các nhà xuất khẩu ca-cao tại Bờ Biển Ngà cho biết, tính đến ngày 30/6, lượng ca-cao đến các cảng tại quốc gia này đạt 1,596 triệu tấn, giảm 27,4% so cùng kỳ mùa trước.

Giá ca-cao giảm sâu 5,67% bất chấp lo ngại thiếu hụt nguồn cung ảnh 2

Số liệu từ MXV cho thấy, kết phiên giao dịch 1/7, lực mua chiếm ưu thế trở lại trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Sắc xanh áp đảo bảng giá nhóm nông sản, năng lượng và kim loại đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index hồi phục 0,59% lên 2.264 điểm, trở lại vùng cao nhất trong 1 tuần qua.