Ghi nhận những đóng góp của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Trong năm học vừa qua, khoảng 83 nghìn thầy, cô giáo dục nghề nghiệp đang giảng dạy trên cả nước đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Họ đã chủ động đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy và học; gắn nhà trường với doanh nghiệp, gắn tuyển sinh với nhu cầu thị trường lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Với những đóng góp đó, họ xứng đáng được tôn vinh trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
0:00 / 0:00
0:00
Tôn vinh các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, tháng 10/2022 (Ảnh: Molisa).
Tôn vinh các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, tháng 10/2022 (Ảnh: Molisa).

Những người nỗ lực gắn tuyển sinh với nhu cầu thị trường lao động

Ngày 16/11, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng tới các thầy, cô giáo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi tới thầy, cô giáo các trường đại học thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Bộ trưởng nêu rõ, trong năm học vừa qua, các thầy, cô giáo đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chủ động đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy và học; gắn nhà trường với doanh nghiệp, gắn tuyển sinh với nhu cầu thị trường lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022, đoàn Việt Nam đã giành được 2 Huy chương Bạc, đạt thành tích tốt nhất từ trước đến nay. Qua đó, khẳng định trình độ, kỹ năng và vị thế của người lao động Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều hình thức tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu và tuyên dương học sinh sinh viên nghề nghiệp xuất sắc cả nước, qua đó khích lệ và thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong năm học vừa qua, các thầy, cô giáo đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chủ động đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy và học; gắn nhà trường với doanh nghiệp, gắn tuyển sinh với nhu cầu thị trường lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng cho biết, triển khai Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, năm học 2022-2023 là năm tăng tốc của toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có việc áp dụng chuyển đổi số. Do vậy, các cơ sở dạy nghề cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng các hoạt động trên môi trường số, đổi mới quản lý, hoạt động dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá; phát triển mạnh quy mô, số lượng và chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng tin tưởng, các thầy, cô giáo tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, chủ động, sáng tạo đổi mới trong giảng dạy, giữ ngọn lửa nhiệt tình đam mê nghề nghiệp để xứng đáng với niềm tin yêu, sự trân trọng của toàn xã hội.

Tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Ghi nhận những đóng góp của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ảnh 1

Trao thưởng cho các thầy, cô giáo đoạt giải tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 (Ảnh: GDVT).

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định: “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” là một trong hai giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu Chiến lược. Tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu là hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Đây cũng là một trong những hoạt động tiêu biểu của Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 năm nay.

Hoạt động này góp phần làm nổi bật hơn những đóng góp của đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng nghề cho đất nước.

Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Vì vậy, sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần, động viên các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và giá trị xã hội của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Chương trình năm nay đã tôn vinh 52 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu, được giới thiệu từ 63 tỉnh, thành phố. Họ đại diện cho hơn 83 nghìn nhà giáo đang giảng dạy trong hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên khắp mọi miền đất nước.

Từ những nhà giáo tuổi đời còn trẻ (người trẻ nhất sinh năm 1990) đến những nhà giáo lâu năm, có thâm niên gắn bó với nghề (có người lâu nhất là 38 năm), họ đều có nhiều thành tích đóng góp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề cho thị trường lao động. Họ đồng thời được Đảng, Nhà nước, địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Có những cô giáo không quản ngại khó khăn vất vả, vẫn một lòng yêu nghề, gắn bó với những ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Như câu chuyện của những cô giáo ở Đắk Nông, Lạng Sơn với gần 13 năm hay 17 năm giảng dạy nghề cắt gọt kim loại. Có những nhà giáo nữ có thành tích rất cao được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cũng có rất nhiều đóng góp vô cùng quan trọng trong phong trào chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều thầy, cô - đặc biệt trong lĩnh vực y tế - đã nhận được bằng khen cho thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19. Có thầy giáo được tặng thưởng và vinh danh nhiều danh hiệu nhà giáo trẻ tiêu biểu; đảng viên trẻ tiêu biểu; cán bộ đoàn tiêu biểu của địa phương; tài năng trẻ Việt Nam; nhà khoa học trẻ, nhà giáo trẻ, thầy thuốc trẻ tài năng.

Mặc dù là nhà giáo, nhưng cũng có thầy được nhận danh hiệu “Người lao động ngành điện tiêu biểu” hay chứng nhận “Kỹ sư ASEAN”, thể hiện sự ghi nhận đối người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc. Có những nhà giáo đã được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú. Nhiều nhà giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh đạt các giải cao trong Kỳ thi tay nghề quốc gia.

* Trên toàn quốc, số lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp hiện có khoảng 83 nghìn người, đang giảng dạy tại hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.