Gen Z cần thay đổi tư duy "có bằng cấp sẽ có sự nghiệp"

Đứng trước các lựa chọn nghề nghiệp, các bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh thường dễ dao động hoặc bị cuốn theo những ngành nghề "hot" trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Gen Z cần tỉnh táo, hiểu mình, hiểu xã hội để chọn ngành phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.

Theo những chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT Hoàng Nam Tiến tại Tọa đàm "2k6 chọn ngành, chọn trường thế nào để có việc làm?", do Báo Dân trí phối hợp Trường cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức, các bạn trẻ cần tìm hiểu, đối chiếu nghề nghiệp đang theo đuổi với sự trùng khớp của "4 vòng tròn": đam mê, năng lực, xã hội cần và thu nhập. Bên cạnh đó, sự liên kết về đánh giá năng lực bản thân là vô cùng quan trọng.

"Giữa những đam mê, mơ ước và khát vọng, các bạn cần phải có năng lực. Cá nhân tôi rất thích ca hát, nhưng hễ hát là sai nhạc. Như vậy, rõ ràng đam mê và năng lực ca hát của tôi không liên quan đến nhau. Tôi có một người bạn không giỏi toán, cũng chẳng giỏi văn, mà chỉ chơi bi-a rất tốt. Sau này, anh ấy thành danh nhờ bi-a. Nếu đam mê và năng lực này không phải bi-a mà là bắn chun, chắc chắn anh ấy không thể phát triển, bởi xã hội không có môn thể thao nào như vậy", nguyên Chủ tịch FPT Software (Tập đoàn FPT) lấy thí dụ.

Gen Z cần thay đổi tư duy "có bằng cấp sẽ có sự nghiệp" ảnh 1

Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ câu chuyện bản thân trong việc chọn ngành nghề.

Dẫn báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2024 cũng như báo cáo về xu hướng lao động toàn cầu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ông Hoàng Nam Tiến cho biết: Các ngành liên quan đến marketing điện tử (digital marketing) hay trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, nông nghiệp, sinh học, chip bán dẫn... sẽ được ưa chuộng trong tương lai. Trong khi đó, các ngành về chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh cũng sẽ có những bước phát triển lớn.

Đồng tình với ý kiến nêu trên, chuyên gia Nguyễn Bảo Long từ TopCV Việt Nam nhận định thêm: Năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam sẽ ưu tiên các ngành liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ thông tin bởi đây là những giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tối ưu vận hành. Trong đó, các vị trí sẽ được trọng dụng là kinh doanh bán hàng, truyền thông quảng cáo và đặc biệt là marketing điện tử.

Gen Z cần thay đổi tư duy "có bằng cấp sẽ có sự nghiệp" ảnh 3

Anh Hoàng Bảo Long nhận định về thị trường việc làm.

Chia sẻ thống kê về đào tạo tại Trường cao đẳng FPT Polytechnic, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Phương khẳng định: 3 ngành sở hữu số lượng sinh viên đứng đầu tại nhà trường và được thị trường phản hồi tốt những năm gần đây luôn là thiết kế đồ họa, marketing điện tử và công nghệ thông tin, tiếp theo là điện cơ khí, tự động hóa, du lịch, khách sạn và làm đẹp.

Để hỗ trợ các bạn trẻ hiện thực hóa đam mê với ngành nghề đang theo đuổi, năm 2024, nhà trường đã triển khai nhiều loại học bổng như: "Thắp sáng tương lai" với mức hỗ trợ lên tới 70% học phí toàn khóa học, "Phát triển nguồn nhân lực địa phương" với mức 50% trong năm đầu tiên...

Gen Z cần thay đổi tư duy "có bằng cấp sẽ có sự nghiệp" ảnh 4

Bà Nguyễn Thị Kim Phương nhận định về các ngành nghề đang được ưa chuộng hiện nay.

Ý kiến của các diễn giả tham gia tại buổi tọa đàm đều cho rằng, các bạn trẻ ngoài việc lựa chọn ngành nghề phù hợp, còn cần chú ý đến các yếu tố khác như: thời gian học nhanh, vững tay nghề và thu nhập xứng đáng năng lực; đồng thời, cần thay đổi suy nghĩ "có bằng cấp sẽ có sự nghiệp" bằng tư duy "có nghề thì mới có sự nghiệp".