Lợi thế của các ngành nghề sử dụng AI
Theo nghiên cứu, các lĩnh vực có nhiều khả năng sử dụng AI, như tài chính hoặc khoa học máy tính, ghi nhận mức tăng trưởng năng suất lao động cao hơn gấp gần 5 lần. Các yêu cầu tuyển dụng liên quan kỹ năng AI đang tăng nhanh hơn 3,5 lần so với mức trung bình.
Tại Mỹ, Canada, Australia và Singapore - những thị trường lao động có sẵn dữ liệu - mức lương còn có thể cao hơn tới 25%. Với tốc độ phát triển của AI như hiện nay, những công việc cũ có thể giảm nhưng hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho các cá nhân và công ty trên toàn thế giới. Nhờ tính năng giúp tự động hóa những công việc thủ công, thu thập, tổng hợp dữ liệu… của AI, người lao động có thêm thời gian cho hoạt động sáng tạo. Dựa trên các dữ liệu mà máy móc đã tổng hợp, các ngành nghề đòi hỏi tư duy sâu, phân tích dữ liệu xuất hiện và mở ra cơ hội cho thêm nhiều người.
Dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp có nguy cơ cao nhất rơi vào tay AI, nhưng theo thời gian, AI sẽ dần có tác động tích cực, tạo ra khoảng 69 triệu việc làm vào năm 2027. AI đang mở ra các cơ hội việc làm trong các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn hóa và kỹ năng cao như phân tích dữ liệu, bảo mật mạng và phát triển phần mềm.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp AI càng phát triển thì càng cần đến những chuyên gia, nhà khoa học dữ liệu, các kỹ sư phần mềm, các nhà nghiên cứu và quản lý AI. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được thực hiện trên phạm vi toàn cầu chỉ ra rằng, tác động lớn nhất của AI có thể là những thay đổi tiềm ẩn với chất lượng công việc, đặc biệt là cường độ làm việc và tính tự chủ, chứ không phải đảm nhận hoàn toàn, “xóa sổ” vai trò của người lao động, bởi hầu hết các công việc và các ngành nghề chỉ tiếp xúc một phần với tự động hóa.
Trong khi đó, AI cũng khó có thể thay thế được một số kỹ năng của con người, nhất là liên quan đến tương tác và cảm xúc. Khả năng sáng tạo và đổi mới cũng là hạn chế của AI. Công nghệ này không có khả năng hiểu và xử lý đầy đủ các yếu tố phi logic liên quan đến nhận thức con người, bối cảnh văn hóa, xã hội hay đạo đức.
Những rủi ro đối với người lao động
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà AI đem lại, công nghệ tiên tiến này có nguy cơ tước đi việc làm của nhiều người. Sau sự xuất hiện của chatbot ChatGPT, ngày càng có nhiều lo ngại rằng công nghệ AI tạo sinh có thể “cướp đi” việc làm của con người. Theo số liệu của ILO, công nghệ tự động hóa có khả năng ảnh hưởng tới 5,5% tổng số việc làm ở các nước có thu nhập cao, trong khi ở các nước có thu nhập thấp, con số này chỉ ở mức khoảng 0,4%.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách công Anh cảnh báo, sự phát triển của AI có thể đe dọa gần 8 triệu việc làm ở nước này. Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, một nghiên cứu gần đây của IMF cho thấy, trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng tới 40% việc làm trên toàn thế giới và 60% ở các nền kinh tế tiên tiến. AI có thể hiệu quả hơn con người trong một số lĩnh vực cụ thể, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi xử lý lượng lớn dữ liệu, tính toán nhanh với tính chính xác cao, như phân tích dữ liệu, điều khiển máy móc trong sản xuất và quản lý hệ thống thông tin.
Trong các ngành sản xuất, logistics và dịch vụ, AI và robot đã thay thế con người trong các hoạt động thực hiện nhiều lần theo chu trình một cách chính xác và hiệu quả, giúp giảm rủi ro và tăng năng suất. Với khả năng tự động hóa quá trình thu thập và phân tích dữ liệu lớn, AI cũng có thể thay thế các nhà phân tích dữ liệu truyền thống trong lĩnh vực tài chính và tiếp thị. Ngoài ra, các chatbot tự động xử lý các yêu cầu và truy vấn của khách hàng sẽ giảm nhu cầu nhân lực cho dịch vụ khách hàng trực tiếp.
Động lực nâng cao chất lượng nhân sự
Trước những chuyển biến nhanh chóng của thị trường, WEF nhận thấy doanh nghiệp đang tăng cường đào tạo nhân viên nhằm nâng cao tay nghề để theo kịp nhu cầu của thời đại và khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng. Để tránh viễn cảnh mất việc, các doanh nghiệp cần khuyến khích nhân viên nâng cao kỹ năng trong khi một số nhiệm vụ được tự động hóa.
Theo một báo cáo mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), việc ứng dụng AI trong các công ty đang thay đổi cách người lao động triển khai và sắp xếp công việc của mình. Điều này đòi hỏi các kỹ năng mới, bao gồm các kỹ năng về AI, có kiến thức và năng lực để chủ động phát triển cũng như duy trì các mô hình AI.
Lãnh đạo bộ phận Thị trường toàn cầu, dịch vụ thuế và pháp lý của PwC, bà Carol Stubbings cho biết, vì người lao động sẽ cần xây dựng các kỹ năng mới, các tổ chức cũng cần có những đầu tư mới vào con người và chiến lược AI.
Theo nhận định của một số chuyên gia, bức tranh toàn cảnh về tác động của AI đối với thị trường lao động sẽ đem đến nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực, với lợi ích chính là có thêm nhiều việc làm được tạo ra trong các lĩnh vực như giáo dục và nông nghiệp.
Giám đốc điều hành WEF, bà Saadia Zahidi khẳng định, AI sẽ đem đến rất nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng. Hơn thế nữa, AI cũng có thể trở thành cú huých tạo ra các ngành công nghiệp mới, kích thích tăng trưởng của các nền kinh tế. Mặt khác, tiềm năng tăng cường của công nghệ AI là gần như ngang nhau giữa các quốc gia. Điều này đồng nghĩa, nếu áp dụng các chính sách đúng đắn, làn sóng chuyển đổi công nghệ mới này có thể mang lại lợi ích quan trọng cho các nước đang phát triển.
Ngoài ra, các công cụ AI cũng là động lực để chính người lao động tự nâng cao kỹ năng và đào tạo lại chuyên môn để thích ứng nhằm duy trì tính cạnh tranh trên thị trường việc làm. Song song với việc nắm bắt các công nghệ mới sẽ là đầu tư vào các chương trình giáo dục, bởi điều này sẽ tạo ra một thị trường việc làm năng suất, hiệu quả và công bằng hơn, mang lại lợi ích không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn toàn xã hội.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kỹ năng kỹ thuật số, cũng như mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ, sẽ quyết định tốc độ áp dụng AI và tác động của công nghệ này đến năng suất lao động. Các tác động kinh tế xã hội của AI tạo sinh sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách thức các chính phủ quản lý sự phổ biến của công nghệ này. Việc định hướng chính sách sao cho phù hợp sẽ quyết định đáng kể đến khả năng của một xã hội trong việc tối ưu hóa lợi ích từ AI, đồng thời giảm bớt những rủi ro về việc làm.