Với 37 cơ sở GDNN và cơ sở có hoạt động GDNN, Thái Nguyên là một trong ba trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước, đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo, vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, thu hút số lượng lớn giáo viên, sinh viên, học sinh và người lao động từ các tỉnh đến làm việc, lao động và nghiên cứu, học tập.
Tính từ tháng 1 đến tháng 10/2023, tuyển sinh trên địa bàn tỉnh đạt 36.998 người (đạt 92,5% kế hoạch); trong đó, trình độ cao đẳng 3.054 người, trình độ trung cấp 9.593 người, trình độ sơ cấp 10.771 người và đào tạo thường xuyên 13.580 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh ước đạt 73%.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, các cơ sở GDNN chủ yếu tập trung đào tạo các trình độ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động bao gồm các ngành, nghề phổ biến như: điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, công nghệ ô-tô, hàn, cơ khí chế tạo, cắt gọt kim loại, phay CNC, công nghệ thời trang, kế toán doanh nghiệp, kế toán tổng hợp, quản trị kinh doanh, điều dưỡng, hộ sinh, dược, y học cổ truyền, thú y, thanh nhạc, hội họa, nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, hướng dẫn viên văn hóa, quản trị nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật chế biến chè…
Hiện nay, các ngành, nghề đào tạo đang được mở thêm và bám sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và thị trường lao động, từng bước phù hợp với sự phát triển các ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh các trường THCS, THPT, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn, nhờ đó từng bước nâng cao nhận thức nghề nghiệp cho học sinh, lao động nông thôn để có sự lựa chọn phù hợp, đúng với nhu cầu xã hội…
Em Trần Tuấn Anh (sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức Thái Nguyên) vui vẻ nói: “Để tăng cơ hội có việc làm sau khi ra trường, em đã lựa chọn ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động cao là công nghệ ô-tô. Quá trình học tập, nhà trường luôn đổi mới chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy của giáo viên ngày càng được nâng cao. Hy vọng sau khi ra trường, em cũng như nhiều sinh viên khác có thể lựa chọn được công việc phù hợp, có mức thu nhập ổn định để trợ giúp gia đình về kinh tế”. Có thể nói, việc các cơ sở GDNN tuyển sinh ngày càng gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đã giúp nhiều lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và chủ trương của Nhà nước về tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tập trung đẩy mạnh việc đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, đưa học sinh, sinh viên đến trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp, học sinh, sinh viên được tiếp xúc và làm việc trong môi trường thực tế tại các doanh nghiệp, qua đó giúp hoàn thiện ý thức, tác phong làm việc công nghiệp.
Việc ký kết hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp đem lại lợi ích và hiệu quả thiết thực, nhà trường và doanh nghiệp cũng có các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trong quá trình đào tạo và thực tập như hỗ trợ chi phí đi lại, ăn, ở và thù lao theo ngày công nếu tạo ra sản phẩm cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học với nhà trường để đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên (Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp) được hình thành và vận hành có hiệu quả trong thực tiễn.
Để tạo cơ hội cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở GDNN có cơ hội nắm bắt thông tin, kết nối trong hoạt động đào tạo, tuyển dụng lao động, hằng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội còn tổ chức “Tuần cao điểm kết nối cung cầu lao động”. Năm 2022 và 2023, Tuần cao điểm đã tổ chức các hoạt động trọng tâm như: hội thảo, hội nghị tư vấn, tuyển sinh, định hướng GDNN, việc làm bền vững; phiên giao dịch việc làm cấp tỉnh, huyện, xã; ký kết và trao biên bản ghi nhớ về tuyển sinh đào tạo, tuyển dụng lao động...
Qua đó, đã thu hút hơn 1.500 lượt doanh nghiệp, cơ sở GDNN, giáo dục đại học, các đơn vị trong và ngoài tỉnh, trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh phía bắc tham gia với trên 150.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh được cung cấp; đã có gần 30.000 lượt học sinh, sinh viên, người lao động được tư vấn tuyển dụng việc làm, chính sách lao động, bảo hiểm thất nghiệp, định hướng nghề nghiệp; gần 10.000 người đạt phỏng vấn sơ loại và kết nối việc làm thành công…
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, theo đánh giá chung, hiện công tác GDNN trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục; trong đó chất lượng đào tạo ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; chất lượng, hiệu quả đầu tư cho công tác phát triển GDNN chưa cao, sự gắn kết giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ. Hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo chậm đổi mới, chưa đa dạng, linh hoạt để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động. Công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng, chưa tạo cơ hội và khuyến khích người lao động tham gia học tập suốt đời. Việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ. Một số cơ sở đào tạo chưa làm tốt công tác đào tạo gắn với nhu cầu xã hội nên tỷ lệ học viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, hoặc làm trái ngành còn cao…
Trong những năm tới, để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN, các ngành chức năng cần tiếp tục quán triệt, triển khai các văn bản, chỉ thị của bộ, ngành về công tác GDNN. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động.
Đồng thời, cần tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở GDNN để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng THPT vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống GDNN; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp. Các cơ sở GDNN chủ động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học trong doanh nghiệp. Tỉnh cũng cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia GDNN từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành tại các cơ sở GDNN; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung-cầu lao động với GDNN...