Gặp gỡ văn chương Việt-Hàn tại Thành phố Hồ Chí Minh

NDO - Sáng 5/7, tại Hội trường Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cùng Trường đại học Văn Lang tổ chức chương trình giao lưu văn chương Việt-Hàn 2024, với chủ đề “Văn học trẻ đương đại Việt-Hàn và Văn học hai nước trong bối cảnh toàn cầu hóa”.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả phát biểu ý kiến tại chương trình.
Các diễn giả phát biểu ý kiến tại chương trình.

Đây là năm thứ hai sự kiện được tổ chức với mục đích tăng cường giao lưu văn chương giữa Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và giới văn chương Hàn Quốc; qua đó, mong muốn góp phần giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới.

Tiếp nối sự thành công của sự kiện gặp gỡ văn chương Việt-Hàn 2023, năm nay, chương trình có sự tham gia của hai nhà văn trẻ là nhà văn Choi Eun Young và nhà văn Huỳnh Trọng Khang; cùng Nhà văn Trần Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo sư Kim Jae Yong, Tổng Biên tập Tạp chí Văn học toàn cầu Hàn Quốc và dịch giả Hiền Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng văn học dịch, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Các diễn giả đã tập trung thảo luận và chia sẻ về nhà văn trẻ và văn học đương đại Việt-Hàn, đặc biệt về vấn đề nhận thức của tác giả, dịch giả và các cơ quan liên quan trong việc giới thiệu văn học nước nhà ra thế giới.

Nhà văn Choi Eun Young cho biết, đối với Hàn Quốc, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc là cơ quan của Chính phủ hỗ trợ rất nhiều trong việc dịch thuật, đưa tác phẩm của các nhà văn xứ Hàn ra nước ngoài.

Gặp gỡ văn chương Việt-Hàn tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2

Nhà văn Choi Eun Young.

Cơ quan này sẽ hỗ trợ kinh phí cho các dịch giả trong việc dịch thuật, xuất bản. Đối với việc quảng bá, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc sẽ hỗ trợ chi phí cho các nhà văn ra nước ngoài để tham gia các sự kiện giao lưu, giới thiệu tác phẩm của mình.

Giáo sư Kim Jae yong chia sẻ, trong giai đoạn đầu của chiến lược đưa văn học Hàn Quốc ra thế giới, Hàn Quốc tập trung vào dịch tác phẩm văn học Hàn sang tiếng Anh.

Tuy nhiên, hiện nay, Hàn Quốc không chỉ chú trọng vào thị trường tiếng Anh mà còn quan tâm đến nhiều thị trường khác trên thế giới, bằng việc dịch các tác phẩm Hàn ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt.

“Mục tiêu của Hàn Quốc là đưa văn học nước nhà ra thế giới và nâng cao vị thế của văn học Hàn Quốc. Giai đoạn gần đây, các nhà văn Hàn Quốc đã chủ động hơn trong việc giới thiệu tác phẩm của mình ra nước ngoài mà không còn quá phụ thuộc vào Chính phủ. Đây cũng là hướng đi khác của Hàn Quốc so với nhiều nước trong khu vực khi các nước này chỉ tập trung vào giải Nobel Văn học”, Giáo sư Kim Jae Yong thông tin thêm.

Gặp gỡ văn chương Việt-Hàn tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 3

Nhà văn Huỳnh Trọng Khang.

Để tác phẩm văn học Việt Nam tiếp cận với độc giả nước ngoài nhiều hơn, Nhà văn Huỳnh Trọng Khang cho biết, Việt Nam cần có một thế hệ dịch giả có khả năng dịch tác phẩm tiếng Việt ra nhiều ngôn ngữ phổ biến trên thế giới.

Ngoài ra, một tác phẩm muốn giới thiệu ra nước ngoài cần tiếng nói uy tín của giới hàn lâm, học thuật. Chính tiếng nói của họ mới có giá trị trong việc giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam ở nước sở tại.

Nhà văn Trần Văn Tuấn chia sẻ, muốn đưa tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, có hai yếu tố quan trọng: dịch giả và chất lượng tác phẩm.

Trong đó, yếu tố từ bản thân nhà văn mang tính quyết định. Nhà văn trước hết phải viết được những tác phẩm thật hay, khẳng định được uy tín, chất lượng của mình ở trong nước.

Gặp gỡ văn chương Việt-Hàn tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 4

Nhà thơ Lê Thị Kim (thứ hai từ phải sang) tặng quà cho hai diễn giả đến từ Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, vai trò của nhà nước cũng rất quan trọng. Nhà nước cần phải quan tâm, hỗ trợ nhà văn nhiều hơn trong việc đưa tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Theo Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, việc tổ chức gặp giao lưu giữa người sáng tác văn chương, nhà phê bình văn học, dịch giả của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung với các đồng nghiệp quốc tế là hoạt động cần thiết, nhằm góp phần quảng bá văn học thành phố, văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại.