Món quà ý nghĩa tặng trẻ thơ

Một tuyển tập thơ thiếu nhi vừa được Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt đúng dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Tuyển tập này bao gồm những bài thơ hay của đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi tại thành phố trong suốt nửa thế kỷ qua.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi giao lưu, ra mắt cuốn sách "Sài Gòn của em".
Buổi giao lưu, ra mắt cuốn sách "Sài Gòn của em".

Dấu ấn 50 năm

Có mặt trong buổi ra mắt tuyển tập thơ thiếu nhi "Sài Gòn của em" (Sbooks và Nhà xuất bản Văn học phát hành) do Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, nhà thơ Trần Quốc Toàn cho biết, đây là một cuốn sách đáng chú ý của văn học thành phố, đặc biệt đối với những tác giả viết cho thiếu nhi.

Tuyển tập gồm hơn 100 bài thơ chọn lọc của 50 nhà thơ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó nhiều nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi quen thuộc, có tác phẩm xuất hiện trong sách giáo khoa như Cao Xuân Sơn, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Quốc Toàn, Đặng Hấn, Trương Nam Hương… Nhiều bài thơ do chính tác giả tâm đắc chọn lọc suốt hàng chục năm gắn bó viết cho thiếu nhi.

Đọc "Sài Gòn của em", bạn đọc có thể thấy được những dấu ấn thơ thiếu nhi trong suốt nửa thế kỷ qua ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ dấu ấn "Mèo con đi học" của Phan Thị Vàng Anh, "Vì sao mèo rửa mặt?" của Khánh Chi từ những ngày hai nhà thơ này được gọi là "thần đồng thơ" vào thập niên 70; dấu ấn của những nhà thơ gạo cội Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Duy, Đặng Hấn, Nguyễn Nhật Ánh, Cao Xuân Sơn,… với tấm lòng thơ dành cho con trẻ để thấy những phác họa về tuổi thơ phương Nam.

Không chỉ thế, cuốn sách còn giới thiệu nhiều bài thơ trong các tập thơ thiếu nhi gây chú ý thời gian gần đây của các nhà thơ Lê Minh Quốc, Thục Linh, Hồ Huy Sơn, Trung Dũng KQĐ qua các tác phẩm trong trẻo như "Bé tập đánh vần" (Lê Minh Quốc), "Nếu không có trẻ con" (Thục Linh), "Những ngọn đèn thơm" (Hồ Huy Sơn), "Sài Gòn sót mấy con ve" (Trung Dũng KQĐ)… Nhà thơ Khánh Chi cho biết, chị rất hạnh phúc khi có cơ hội góp mặt trong tuyển tập thơ thiếu nhi "Sài Gòn của em". Chị càng vui hơn khi bài thơ "Vì sao mèo rửa mặt?" sau mấy mươi năm vẫn được các thế hệ thiếu nhi biết đến và yêu thích.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền, với tập thơ này, bạn đọc nhỏ tuổi sẽ thấy Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh hiện lên thân thuộc mà lạ lẫm, truyền thống mà hiện đại. Vẫn là những nơi, những cảnh hằng ngày em qua, em thấy nhưng rồi bất chợt một ngày không khỏi ngạc nhiên: Thành phố của em sao mà yêu đến thế! Miệt vườn cây trái, sông nước ngọt lành, những cánh đồng rập rờn sóng lúa; rồi những những trò chơi tuổi nhỏ, chuyện học hành, sinh hoạt, những rung động tinh khôi,… đều được người viết thể hiện bằng tấm lòng nâng niu, thương quý. Những vần thơ xinh xắn, bình dị, trong veo như lời con trẻ đã làm được một việc thật đẹp đẽ, thật ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay: Kết nối thế hệ, lưu giữ, hòa đồng ký ức của người lớn và trẻ em, để hiện tại, quá khứ và tương lai xanh thắm mãi. Nhiều người rời xa sân ga tuổi nhỏ cũng sẽ tìm thấy ở đây những nơi chốn, kỷ niệm mà mình đã gắn bó, yêu mến một thời.

Phải "dọn" lòng khi viết cho thiếu nhi

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền, những vần thơ thấm đượm thương yêu trong cuốn "Sài Gòn của em" và trách nhiệm với tuổi thơ của thi nhân Thành phố Hồ Chí Minh suốt chặng đường nửa thế kỷ sẽ là một đáp án đáng tin cậy cho những ai còn nghi ngờ về sự cần thiết của thơ thiếu nhi giữa cuộc sống gấp gáp này. Sáng tác cho thiếu nhi dường như đã là cái nghiệp vận vào nhiều nhà thơ, nhà văn.

Nhà văn Kim Hài chia sẻ, trong quá trình sáng tác, nhiều lần bà thử sức viết cho tuổi mới lớn, hay viết sách cho người lớn nhưng rồi bà lại quay về với "vùng trời" của riêng mình là những tác phẩm dành cho thiếu nhi. "Viết cho thiếu nhi, tôi chọn những câu chuyện nhẹ nhàng, những câu chuyện đẹp cho các em"- nhà văn Kim Hài chia sẻ.

Những năm gần đây, nhà thơ Lê Minh Quốc liên tục cho ra mắt tác phẩm dành cho thiếu nhi, trong đó có các tập thơ dành cho thiên thần nhỏ của mình. Nhà thơ chia sẻ, ở tuổi 59 nếu không có thiên thần nhỏ, ông sẽ không làm được "Chào thế giới bây giờ con đã đến", "Từng ngày ba mẹ thở theo con" được độc giả đón nhận. Theo nhà thơ, viết cho thiếu nhi rất khó, khi viết cho thiếu nhi, người viết phải là người giáo dục, là nhà thẩm mỹ học có sự giao cảm với thiên nhiên để cho ra đời những vần thơ, câu văn trong trẻo.

Còn nhà thơ Thục Linh thì chia sẻ, khi lớn lên, có gia đình, anh mới bắt đầu viết cho thiếu nhi. Viết cho thiếu nhi khó hơn viết cho các đối tượng khác vì "chúng ta đặt rất nhiều bộ kiểm duyệt trong mình". Người viết không được tuyệt vọng, đau buồn, nếu có buồn thì đó là nỗi buồn trong trẻo. "Người viết buộc mình nhìn cuộc đời đẹp hơn, tốt hơn với cách nhìn của con trẻ. Người lớn viết cho trẻ con phải gần gũi với cách suy nghĩ của trẻ. Nó khác với cách một người lớn cố gắng dạy dỗ cho trẻ biết rằng thế giới này thế nào"- nhà thơ Thục Linh chia sẻ.

Nhìn từ tuyển tập cùng hàng loạt tác phẩm dành cho thiếu nhi của các tác giả trẻ ra mắt gần đây, nhà thơ Lê Luynh cho rằng, thành phố đang có một lực lượng kế thừa sáng tác cho thiếu nhi khá hùng hậu. Cùng với sự quan tâm của Hội Nhà văn thành phố, văn học thiếu nhi thành phố sẽ có nhiều thành tựu mới và những tác phẩm cần thiết trong cuộc sống này. Văn học thiếu nhi sẽ vun đắp cho các em có một tâm hồn đẹp, những người viết cho thiếu nhi chính là "những người lớn hạnh phúc".