Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia

NDO - Ngày 7/11, tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam và tỉnh Đắk Nông tổ chức Chương trình “Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia lần thứ 5”.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn đại biểu của hai nước Việt Nam – Campuchia và các đại biểu tham dự Chương trình “Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam – Campuchia chụp hình lưu niệm.
Đoàn đại biểu của hai nước Việt Nam – Campuchia và các đại biểu tham dự Chương trình “Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam – Campuchia chụp hình lưu niệm.

Dự chương trình, về phía Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các đồng chí trong đoàn công tác của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, cùng một số tỉnh có chung đường biên Việt Nam-Campuchia.

Phía đoàn đại biểu Campuchia có Ngài Vann Phal, Cố vấn Thủ tướng Hun Sen, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Campuchia và đại diện các cấp, ngành, các địa phương Campuchia.

Chương trình diễn ra trong không khí thắm tình đoàn kết hữu nghị và niềm chung vui của hai nước Việt Nam-Campuchia nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thúc đẩy hợp tác toàn diện

Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống gắn bó từ lâu đời. Hai dân tộc đã đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn và hoạn nạn, cùng nhau vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Trong tiến trình lịch sử ấy, có giai đoạn 3 năm 8 tháng 20 ngày không thể nào quên, Tập đoàn phản động Pol Pot đặt dân tộc Campuchia trước “Thảm họa diệt chủng khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử loài người”.

Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia ảnh 1

Tỉnh Đắk Nông tặng quà lưu niệm Ngài Vann Phal - Cố vấn Thủ tướng Hun Sen, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam bức tranh phong cảnh về tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh.

Trước nguy cơ diệt vong của dân tộc, những con người ưu tú, cách mạng của Campuchia đã đứng lên, tập hợp lực lượng để tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu mình. Trong thời điểm đó, Việt Nam vẫn chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và đang bị bao vây cấm vận, nhưng xuất phát từ truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc và hiểu rõ tình thế khó khăn của cách mạng Campuchia, đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam một lần nữa quyết tâm sát cánh cùng nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, tiêu diệt lực lượng vũ trang phản động gây chiến tranh tàn bạo biên giới Tây Nam - Việt Nam.

Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnom Penh được hoàn toàn giải phóng và đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đánh dấu thời điểm nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, hòa bình và trung lập, phồn vinh.

Cùng với niềm vui về sự vươn lên mạnh mẽ, không ngừng của đất nước Chùa Tháp, tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hơn nửa thế kỷ qua, song hành với các hoạt động ngoại giao chính trị và kinh tế, ngoại giao nhân dân giữa hai nước Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và sự kiện “Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia lần thứ V” là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và thúc đẩy sự gắn kết giữa hai dân tộc láng giềng.

Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia ảnh 2

Lãnh đạo Đoàn đại biểu Campuchia tham quan các gian hàng trưng bày giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người, tiềm năng phát triển của Việt Nam và tỉnh Đắk Nông.

Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Đoàn đại biểu Campuchia lần này sẽ góp phần làm sống lại những ký ức hào hùng của hai nước, hai dân tộc đã kề vai sát cánh lật đổ chế độ diệt chủng và giúp hồi sinh đất nước Chùa Tháp, đưa quan hệ láng giềng Việt Nam-Campuchia phát triển lên một giai đoạn mới, gắn bó, tin cậy lẫn nhau.

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri đã và đang nỗ lực vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị mà Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước đã dày công xây dựng. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020 giữa hai tỉnh là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai địa phương và dự kiến cuối tháng 11 này hai tỉnh sẽ tiếp tục ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2026 để làm cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác toàn diện về kinh tế, văn hóa, thương mại, du lịch, đầu tư giữa hai bên trong thời gian tới.

Mốc son đi vào lịch sử

Ôn lại một số dấu mốc lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng và nhân dân Campuchia, với sự giúp đỡ của các lực lượng và nhân dân Việt Nam, Ngài Vann Phal - Cố vấn Thủ tướng Hun Sen, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam khẳng định, mối quan hệ của nhân dân hai nước đã có từ rất lâu đời, trước cả khi các nhà lãnh đạo của ba nước như: cố Quốc vương Sihanouk, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Suphanuvong xây dựng, đặt nền móng cho mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam-Campuchia và mối quan hệ giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Sự đoàn kết, hợp tác lẫn nhau của 3 nước đã giúp 3 nước giành độc lập. Nhưng với Campuchia, thời gian độc lập không dài khi tập đoàn phản động Pol Pot lật đổ Sihanouk.

Sau khi bị lật đổ vào năm 1970, Quốc trưởng Sihanouk đã thành lập mặt trận yêu nước, tiến hành phong trào yêu nước và phong trào này đã giành được thắng lợi vào ngày 17/4/1975. Nhưng thắng lợi ấy chỉ được trong chớp mắt, tập đoàn Pol Pot đã đẩy đất nước Campuchia vào thảm họa đen tối nhất trong lịch sử.

Thời điểm ấy, Hun Sen đã quyết định ly khai chế độ diệt chủng, sang Việt Nam tìm đường cứu nước và Bình Dương là mảnh đất đầu tiên của Việt Nam Hun Sen đặt chân đến vào ngày 20/6/1977. Sau một đêm vượt qua bao khó khăn, Hun Sen sang đất Việt Nam vào ngày 21/6/2977.

Những lực lượng yêu nước của Campuchia lúc bấy giờ đã được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Việt Nam, của Quân đội Nhân dân Việt Nam giúp Campuchia đấu tranh, giành được thắng lợi vào ngày mùng 7/1/1979 và đất nước được giải phóng từ đó.

Sau đó, Thủ tướng Hun Sen nghĩ tới mối quan hệ, sự hợp tác, đoàn kết giúp đỡ của Việt Nam đã quyết định thành lập Hội hữu nghị Campuchia-Việt nam. Khi mới thành lập do Thủ tướng Hun Sen làm Chủ tịch Hội.

Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia ảnh 3

Lãnh đạo Đoàn đại biểu của hai nước Việt Nam-Campuchia dự Chương trình “Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia lần thứ 5” tại tỉnh Đắk Nông.

Và để nhớ lại những dấu mốc lịch sử quan trọng, Thủ tướng Hun Sen đã cho xây dựng nhiều công trình ghi dấu lại thời kỳ lịch sử tại Việt Nam. Hiện, ở Lộc Ninh có công viên Hun Sen, nhà văn hóa huyện do Thủ tướng Hun Sen cung cấp kinh phí xây dựng.

Chương trình “Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia” muốn nhắc lại để các bạn trẻ, nam nữ thanh niên của hai nước phải tìm hiểu, hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ hợp tác, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của thế hệ cha anh để có trách nhiệm đối với lịch sử, với nhân dân và đất nước mình; tiếp tục hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng và phát triển đất nước mình.

Cũng tại chương trình, Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia tặng Kỷ niệm chương “Vì tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia” cho nhiều cá nhân là lãnh đạo tỉnh Đắk Nông.