Dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk.
Về phía Campuchia có bà Men Sam An, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Campuchia; ngài Chay Navuth, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam và 55 thành viên của đoàn cùng tham dự hội nghị.
Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia Lê Tuấn Khanh đã báo cáo tổng kết giai đoạn 2012-2022 của Chương trình “Ươm mầm hữu nghị”.
Theo đó, chương trình “Ươm mầm hữu nghị” ra đời trong bối cảnh quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam- Campuchia phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Mục đích của chương trình góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo bồi dưỡng, giúp đỡ lưu học sinh, sinh viên Campuchia tại Việt Nam có điều kiện học tập tốt nhất.
Khởi đầu chương trình "Ươm mầm hữu nghị" có 12 gia đình Việt Nam tình nguyện nhận đỡ đầu 34 sinh viên Campuchia đang học tập ở Hà Nội và Thái Bình.
Đến nay, Chương trình đã phát triển đến hầu hết các tỉnh/thành phố có sinh viên Campuchia đang theo học, với sự tình nguyện tham gia của trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên.
Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong chương trình “Ươm mầm hữu nghị”. |
Chương trình "Ươm mầm hữu nghị” đã đỡ đầu trực tiếp, ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, an tâm học tập. Nhiều bạn trong số đó đã tự tin và có kết quả học tập tốt, đạt loại khá, giỏi, xuất sắc trong các kỳ thi tốt nghiệp.
Tại hội nghị đã có 7 tham luận của đại biểu hai nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của chương trình “Ươm mầm hữu nghị” tại các tỉnh, thành phố, đồng thời đề xuất, kiến nghị để các hoạt động hữu nghị nhân dân ngày càng phong phú, thiết thực.
Với quyết tâm đưa Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” phát triển đi vào chiều sâu có tính lan tỏa mạnh mẽ, Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia đã phát động phong trào “Ươm mầm hữu nghị” giai đoạn 2022-2027.
Trong đó, phấn đấu trung bình mỗi năm nhận đỡ đầu trực tiếp từ 80-100 sinh viên Campuchia đang tham gia học tập tại Việt Nam.
Dịp này, Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia đã trao tặng Kỷ niệm chương vì tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia cho 75 cá nhân vì đã có đóng góp tích cực vào việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Campuchia; tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 10 cá nhân vì đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác “Ươm mầm hữu nghị”, giai đoạn 2012-2022.