Theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã duy trì nghiêm túc, quân số, phương tiện, thiết bị, sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy nổ, cứu nạn cứu hộ bảo đảm thông suốt 24/24giờ, 100% tin báo cháy, sự cố, tai nạn được tiếp nhận và xử lý theo quy định. Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, góp phần giải quyết nhanh, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức chữa cháy.
Cùng với đó, trên địa bàn thành phố đã xây dựng, duy trì 86 mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thành lập hơn 8.500 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng hơn 23.600 điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu trên 50m.
Thành phố đã hoàn thành kiểm tra 36.972 cơ sở nhà trọ, đạt 100%. Qua đó, lực lượng chức năng xử phạt 3.134 trường hợp, tạm đình chỉ 672 trường hợp, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động để khắc phục vi phạm.
Thành phố còn gần 3.000 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và các cơ sở này đã cam kết lộ trình thời hạn khắc phục. Lực lượng chức năng thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các chủ cơ sở, hộ gia đình, người dân thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, hướng dẫn người dân kỹ năng và chủ động phương án chữa cháy, thoát nạn…
Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 594 vụ cháy làm 20 người chết, chín người bị thương, ước tính thiệt hại hơn 5,1 tỷ đồng, trong đó, có 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.
So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng hơn 76%, số người chết cũng tăng 15 người.
Nguyên nhân chính dẫn đến cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 73%, còn lại là do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy...
Trên địa bàn thành phố có 412 khu dân cư, với tổng số hơn 137.220 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.
Thành phố còn thiếu hơn 10.160 trụ nước chữa cháy, 1.670 bể nước chữa cháy, 848 bến lấy nước, hố thu nước chữa cháy.
Đáng chú ý, cấp ủy, chính quyền cơ sở có nhiều thời điểm còn buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài và không được xử lý triệt để.
Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo thẩm quyền, còn có tư tưởng “trông chờ” vào lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nhiều người dân còn tâm lý chủ quan.
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phải thật sự quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tập trung, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Đặc biệt, các đơn vị, địa phương phải xác định rõ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, không phải của riêng của lực lượng Công an; chấm dứt ngay tình trạng “phó mặc” công tác phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cần xem xét và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các đơn vị các sở, ngành trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đơn vị, địa phương nào để tồn tại nhiều công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, để xảy ra các vụ việc cháy, nổ nghiêm trọng phải xem xét, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định.