Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết, tính đến ngày 15/12, thị trường lao động Đài Loan (Trung Quốc) đã tiếp nhận 53.883 lao động Việt Nam sang làm việc từ đầu năm đến nay.
Kết quả này giúp nâng số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường này trong năm 2022 tăng khoảng 2,8 lần so với năm ngoái, ghi dấu sự hồi phục với lĩnh vực lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là một trong ba thị trường lao động ở nước ngoài trọng điểm của Việt Nam, luôn thu hút nhiều lao động trong nước sang làm việc tại đây.
Trước đó, trong năm 2021, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả Đài Loan (Trung Quốc). Năm ngoái, số lao động nước ta sang làm việc tại thị trường này chỉ đạt 19.531 người, trong đó có 6.487 nữ.
Tại thị trường này, cơ quan thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc) đã phê duyệt tăng lương cơ bản cho người lao động theo lộ trình kể từ ngày 1/1/2022.
Cụ thể, đối với hợp đồng lao động ký kết mà tiền lương cơ bản của người lao động được hưởng theo tháng, mức lương cơ bản theo tháng được điều chỉnh tăng từ 24.000 đài tệ/tháng lên 25.250 đài tệ/tháng, biên độ tăng là 5,21% (tăng 1.250 đài tệ/tháng so với mức lương cơ bản hiện nay).
Đối với hợp đồng lao động ký kết mà tiền lương cơ bản của người lao động được hưởng theo giờ, mức lương cơ bản theo giờ được điều chỉnh tăng từ 160 đài tệ/giờ lên 168 đài tệ/giờ, biên độ tăng là 5,0% (tăng 8 đài tệ/giờ so với mức lương cơ bản hiện nay).
Theo quy định tại Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/2/2022, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và người lao động cùng đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước với 2 mức khác nhau.
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai luật đã được ban hành như: Nghị định số 112/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Thông tư số 20/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo quy định tại Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/2/2022, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường, phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và người lao động cùng đóng góp vào Quỹ với 2 mức khác nhau.
Doanh nghiệp đóng góp 150.000 đồng/người lao động/hợp đồng, còn lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp vào Quỹ 100.000 đồng/người với mỗi hợp đồng.