Gần 2,2 triệu người về quê do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư

NDO -

Khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Người lao động ở Đồng Nai đi về các tỉnh miền tây chiều 5/10 (Ảnh: Thiên Vương).
Người lao động ở Đồng Nai đi về các tỉnh miền tây chiều 5/10 (Ảnh: Thiên Vương).

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kết quả tổng hợp nhanh báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Trong tổng số người di cư, nữ là 839,5 nghìn người, chiếm 37,5% tổng số; người từ 15 tuổi trở lên là gần 1,6 triệu người, chiếm 70,9%.

Số người về các tỉnh, thành phố từ Hà Nội là 447,1 nghìn người; từ Thành phố Hồ Chí Minh là 524 nghìn người; từ các tỉnh phía nam là 594 nghìn người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676 nghìn người.

Cũng theo cơ quan thống kê quốc gia, tình hình lao động, việc làm quý IV/2021 khởi sắc so với quý trước. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tính chung năm 2021 cao hơn năm trước, trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 ước tính đạt 67,7%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2021 ước tính là 49,1 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với quý trước bao gồm 14,3 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 29,2% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,9 triệu người, chiếm 34,3%; khu vực dịch vụ 17,9 triệu người, chiếm 36,5%.

Tính chung năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49 triệu người, bao gồm 14,2 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 0,3% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,2 triệu người, giảm 1,5%; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người, giảm 4,1%.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2021 là 57,1%; quý II là 57,4%; quý III ước tính là 54,5% và quý IV ước tính là 55,1%.

Tính chung năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 56,2%.

Tỷ lệ này tính riêng trong khu vực thành thị năm 2021 là 48% và trong khu vực nông thôn là 63,3% (năm 2020 tương ứng là 56,2%; 48,4%; 62,3%).

Tính chung năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 6,6 triệu đồng/tháng, giảm 45 nghìn đồng so với năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý IV/2021 là 6,1 triệu đồng/tháng, tăng 140 nghìn đồng so với quý trước và giảm 510 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập của lao động nam là 6,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,6 triệu đồng/tháng.

Tính chung năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 6,6 triệu đồng/tháng, giảm 45 nghìn đồng so với năm trước.

Tháng 12 năm 2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào 6 giải pháp chính:
- Nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động bảo đảm an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc
- Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động
- Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động
- Hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động
- Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực
- Xây dựng quan hệ lao động lao động hài hòa, ổn định