Game Việt dần tháo gỡ định kiến, khẳng định tiềm năng

NDO -

Sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới cũng như những thay đổi trong tư duy, thói quen của cộng đồng đã thúc đẩy ngành game (trò chơi điện tử) Việt Nam phát triển mạnh mẽ thời gian qua, hướng tới doanh thu khổng lồ cho nền kinh tế và những giá trị tích cực phục vụ người dùng. 

0:00 / 0:00
0:00
Một ứng dụng game Việt đạt chứng nhận Teacher Approved (Giáo viên phê duyệt), được các chuyên gia giáo dục và truyền thông đề xuất trên Google Play. (Ảnh chụp màn hình)
Một ứng dụng game Việt đạt chứng nhận Teacher Approved (Giáo viên phê duyệt), được các chuyên gia giáo dục và truyền thông đề xuất trên Google Play. (Ảnh chụp màn hình)

Tại Ngày hội Game Việt Nam (Gameverse) 2024 diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, nhiều số liệu đáng chú ý đã được công bố như: Việt Nam là thị trường trò chơi và ứng dụng hàng đầu của Google (đứng thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về doanh thu từ bên mua và bên bán, đứng thứ 4 về lượt tải ứng dụng), có hơn 35.000 nhà lập trình game - xấp xỉ các quốc gia mạnh về game như Trung Quốc...

Trong các hội thảo, tọa đàm chuyên ngành, các chuyên gia đều nhận định rằng với quy mô dân số và mức độ phát triển hạ tầng viễn thông, game Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng với nhiều dư địa để phát triển.

Xu hướng tích hợp game giáo dục và giải trí

Theo nghiên cứu của nhiều cơ sở giáo dục quốc tế như: Đại học Michigan, Đại học Rochester, Đại học Wisconsin-Madison hay Đại học California, game có khả năng giúp người chơi phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, cải thiện tư duy phản biện, phát triển kỹ năng xã hội cũng như kỹ năng đa nhiệm.

Game hoàn toàn có thể mang đến những tác động tích cực nếu biết “chọn game mà chơi”, điều này được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm khi con cái tiếp cận với công nghệ từ rất sớm. Đó cũng là lý do mà game giáo trí trở thành một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ. Khi các hình thức học tập truyền thống đôi khi trở nên nhàm chán và kém hiệu quả, game giáo trí cung cấp một phương pháp mới mẻ, giúp người học tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và đầy hứng thú.

Tại Việt Nam, một số tựa game giáo trí (kết hợp giáo dục và giải trí) đã đạt được thành công và nhận được sự ủng hộ tích cực như "Monkey Junior" giúp trẻ em học tiếng Anh thông qua trò chơi tương tác, "Viet Kids" cung cấp các bài học về văn hóa và lịch sử Việt Nam thông qua nhiều hoạt động thú vị hay series game Wolfoo với 12 phẩm chất cần thiết cho trẻ được nghiên cứu dựa trên phương pháp Montessori...

Được lập trình từ các câu chuyện xoay quanh bộ nhân vật hoạt hình nổi tiếng Wolfoo do Sconnect Việt Nam sản xuất và sở hữu bản quyền, Wolfoo Game được rất nhiều bậc phụ huynh trên khắp thế giới tin dùng như một phương pháp giáo dục hiện đại, tránh cho con em tiếp xúc với nội dung độc hại. Điểm khác biệt so với hầu hết các game giáo dục trên thị trường đó là Wolfoo Game không tập trung vào truyền tải kiến thức hàn lâm, thay vào đó chú trọng các kỹ năng mềm thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Sconnect cũng là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có năng lực lập trình và phát triển game dành cho trẻ em với quy mô lớn, sản xuất từ 3-4 game một tháng và phát hành game theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đến nay, Sconnect đã cho ra mắt gần 200 game dành riêng cho người chơi dưới 10 tuổi, trong đó có hơn 44 game đạt chứng nhận Teacher Approved (Giáo viên phê duyệt) của Google Play. Huy hiệu Teacher Approved là huy hiệu của Google Play trao cho những ứng dụng và trò chơi bảo đảm được cả hai yếu tố giải trí và giáo dục dành cho trẻ nhỏ. Trong thời đại bùng nổ của nội dung số và những ảnh hưởng tiêu cực của nội dung xấu độc, huy hiệu Teacher Approved là căn cứ để cha mẹ bảo đảm nguồn nội dung lành mạnh đến với con em.

Giáo sư Eric Klopfer, Giám đốc Chương trình đào tạo giáo viên Scheller tại MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) chia sẻ: “Việc kết hợp tính giáo dục vào các trò chơi có thể tạo ra một môi trường hấp dẫn và tương tác, giúp người chơi học hỏi một cách hiệu quả hơn”. Ông cũng khuyến khích tích hợp game giáo dục trong môi trường học tập truyền thống để tối ưu hóa hiệu quả việc thu nạp kiến thức dựa trên thế mạnh của cả hai phương pháp.

Xóa mờ định kiến "vô bổ", "tệ nạn"

Những năm 2000, game tại Việt Nam thường gắn với định kiến như lãng phí thời gian, tiền bạc, vô bổ hay cổ súy bạo lực. Những hiểu lầm này có thể đến từ việc truyền thông đại chúng chỉ đề cập đến mặt tiêu cực mà ít có sự nhìn nhận trên phương diện tích cực. Bên cạnh đó, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho game khi thái độ và lựa chọn của người chơi còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như môi trường giáo dục, sự đồng hành hay định hướng từ gia đình...

Vài năm trở lại đây, game đã chứng minh nó không chỉ phục vụ nhu cầu giải trí mà còn có khả năng trở thành một ngành có giá trị kinh tế cao, được công nhận là một môn thể thao và giúp phát triển kỹ năng xã hội. Bên cạnh đó, độ tuổi của người chơi game cũng ngày càng rộng, không chỉ có lứa tuổi thanh thiếu niên.

Game Việt dần tháo gỡ định kiến, khẳng định tiềm năng ảnh 2

Lập trình game là một lĩnh vực trong ngành Công nghệ thông tin và ngày càng được nhiều người quan tâm, lựa chọn. (Ảnh: Internet)

Năm 2009, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam ban hành Quyết định số 86/2009/QĐ-BTTTT, trong đó lần đầu tiên công nhận eSports như một hoạt động thể thao điện tử. Vietnam eSports Championship (VEC) hay Vietnam Championship Series A (VCSA) là những giải đấu đầu tiên đưa eSports Việt Nam lên một tầm cao mới về mặt chuyên nghiệp và quy mô tổ chức. Năm 2018, Việt Nam tham gia Asian Games 2018 với môn thể thao điện tử là một phần của chương trình thi đấu. Đây là những bước đầu tiên để game được công nhận là một bộ môn thể thao lành mạnh, thoát mác “vô bổ”.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, Việt Nam thu về 507 triệu USD từ ngành game trong năm 2023. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, doanh thu từ game mobile chiếm khoảng 70% tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam.

Theo báo cáo của App Annie, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về số lượng tải ứng dụng game trên các nền tảng di động. Với sự gia tăng của người dùng smartphone và kết nối Internet, thị trường game mobile đã trở thành một lĩnh vực đầy tiềm năng và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phát triển trong và ngoài nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt mục tiêu đến năm 2030, tức 5 năm tới, ngành công nghiệp game Việt Nam đạt doanh thu 1 tỷ USD. Hoạt động game ở Việt Nam sẽ phát triển song hành 2 vế: sản xuất game và phát hành game.

Ngành công nghiệp game phát triển mạnh mẽ cũng tạo ra nhiều việc làm hấp dẫn, từ lập trình, thiết kế, nghệ thuật, marketing đến quản lý sản phẩm. Các sự kiện eSports và các công ty game quốc tế cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đầy triển vọng như livestream game hay vận động viên thi đấu chuyên nghiệp.

Ngành game đã cho thấy không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn len lỏi vào nhiều ngành nghề trong cuộc sống hàng ngày, cung cấp các kiến thức, kỹ năng có giá trị. Không chỉ là “mỏ vàng” của nền kinh tế, xu hướng game giáo trí - kết hợp giữa yếu tố giải trí và giáo dục đang trở thành xu hướng mới đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.