Đổi mới để phát triển ngành công nghiệp trò chơi điện tử ở Việt Nam

NDO - Với sức sáng tạo dồi dào trong thiết kế đồ họa, âm thanh, mang tới trải nghiệm thú vị cho người dùng, ngành công nghiệp trò chơi điện tử (game) ở Việt Nam đã có bước đột phá mạnh mẽ, trở thành ngành xuất khẩu có giá trị cao, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần nâng cao vị thế của quốc gia trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện một số doanh nghiệp phát triển game chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong hoạt động đầu tư ngành này tại Việt Nam. (Ảnh: HÀ NAM)
Đại diện một số doanh nghiệp phát triển game chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong hoạt động đầu tư ngành này tại Việt Nam. (Ảnh: HÀ NAM)

Tại Diễn đàn quốc gia ngành game Việt năm 2023, diễn ra vào ngày 31/10 ở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, các hoạt động trao đổi về việc đầu tư và nghiên cứu cho ngành game của nước ta được tập trung thảo luận. Đây là nền tảng quan trọng nhằm xúc tiến hợp tác quốc tế, tạo ra cơ hội phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh đổi mới sáng tạo.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Thông tin và Truyền Thông đồng chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cùng Game for Good Foundation phối hợp tổ chức.

Chia sẻ về chương trình, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Vũ Quốc Huy xác định, truyền thông số, trò chơi điện tử, thể thao điện tử là những ngành trọng tâm giúp Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ, góp phần vào công cuộc thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, trong suốt thập kỷ qua, ngành công nghiệp trò chơi điện tử Việt Nam dẫu có không ít doanh nghiệp tăng tốc và phát triển một cách nhanh chóng, nhưng xét toàn ngành lại thiếu sự đồng đều về tốc độ tăng trưởng và quy mô đầu tư.

Đổi mới để phát triển ngành công nghiệp trò chơi điện tử ở Việt Nam ảnh 1

Quang cảnh Diễn đàn quốc gia ngành game Việt năm 2023. (Ảnh: HÀ NAM)

Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa hình thành một hệ sinh thái game thực sự. Giữa các công ty xây dựng và phân phối game thiếu sự liên kết nên không tận dụng hết lợi thế của nhau. Kỹ sư công nghệ giỏi thiết lập và sáng tạo các game nhưng lại thiếu kinh nghiệm phát hành, dẫn đến hệ quả là nhiều sản phẩm chất lượng ra đời nhưng lại khó tiếp cận đến công chúng.

“Để ngành game Việt thực sự trở thành một ngành công nghiệp giá trị cao và có sức cạnh tranh trên thế giới, chúng ta cần phải xây dựng được một đội ngũ nhân sự chất lượng và hệ sinh thái đa dạng, phát triển theo hướng đổi mới, gắn kết và tương trợ lẫn nhau”, ông Vũ Quốc Huy cho biết.

Diễn đàn cũng tập trung thảo luận về việc khai mở tiềm năng để nâng tầm hệ sinh thái phát triển ngành trò chơi điện tử cũng như ngành thể thao điện tử tại nước ta.

Trải qua các phiên đối thoại, sự kiện đã mang đến những góc nhìn đa chiều về tương lai của ngành game, các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng lĩnh vực này trong xã hội. Ngoài ra, nhiều chuyên gia đầu ngành cũng chia sẻ các kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực sáng tạo game chất lượng cao.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm phát triển cộng đồng khởi nghiệp, Game for Good Foundation (GfG Foundation) tập trung phát triển vào ngành game, hỗ trợ xây dựng một cộng đồng game đa dạng và chất lượng.

GfG Foundation làm việc cùng các đơn vị phát triển game thông qua công tác tổ chức những hoạt động xây dựng hệ sinh thái, kết nối đầu tư và kinh doanh, tạo lập nhận thức tích cực trong cộng đồng về ngành công nghiệp trò chơi điện tử giàu tiềm năng và đào tạo nguồn nhân lực ưu tú cho ngành game Việt.