Vướng định kiến, nhân sự chất lượng ngành game Việt phải “ẩn mình”

NDO - Ngành game có cơ hội trở thành ngành xuất khẩu giá trị cao, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn Quốc gia ngành game Việt 2023.
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn Quốc gia ngành game Việt 2023.

Cơ hội trở thành ngành xuất khẩu giá trị cao

Thảo luận tại Diễn đàn Quốc gia ngành game Việt (Vietnam GameMaker Conference 2023) diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu nhiều bất cập ngành game Việt đang phải đối mặt.

Đó là việc phân mảnh giữa sản xuất game và phát hành game dẫn đến tình trạng người Việt Nam sản xuất game cho nước ngoài chơi, nhưng lại phải mua game nước ngoài về để chơi. Vì vậy, hiện có tới 88% game phát hành ở Việt Nam là của nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong xã hội vẫn có những đánh giá mang nhiều định kiến, nhìn nhận game là tệ nạn, khiến những người đi học ngành game còn có tâm lý e ngại. Đây là một trong những nguyên nhân khiến ngành game Việt đang thiếu hụt nguồn nhân lực.

Diễn đàn Quốc gia ngành game Việt 2023 (Vietnam GameMaker Conference 2023) với chủ đề Khai mở tiềm năng-Nâng tầm hệ sinh thái phát triển game tại Việt Nam đã thu hút hàng trăm nhà phát triển thuộc hệ sinh thái game trong nước và quốc tế tham dự.

Thông qua 2 phiên tọa đàm, diễn đàn đem đến góc nhìn đa chiều về tương lai của ngành game, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng của game trong xã hội cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách quản lý và đầu tư vào game.

Diễn đàn cũng là dịp đặc biệt để kết nối các nhà phát triển, nhà sản xuất, nhà đầu tư trong lĩnh vực game, từ đó mở rộng quy mô hệ sinh thái ngành, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp game tiếp cận nguồn lực và đối tác uy tín trong khu vực và trên toàn thế giới.

Theo ông Lê Quang Tự Do, game là ngành phù hợp để đẩy mạnh phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể dễ dàng thu ngoại tệ khi sản xuất game và phát hành trên các nền tảng xuyên biên giới. Tuy nhiên, ngành game Việt Nam chưa thực sự có cơ chế thúc đẩy phát triển, nhiều nhân tài game Việt đang “ẩn mình” vì những rào cản không đáng có.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhận định, 10 năm qua, ngành công nghiệp game Việt Nam đã có những bước tiến với các tên tuổi như VNG, Amanotes, Sky Mavis, Appota...

Sự phát triển của ngành game cũng tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế cao và sức cạnh tranh toàn cầu trong mảng lập trình games, thiết kế games, đồ họa games…

Ngành game có cơ hội trở thành ngành xuất khẩu giá trị cao, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đánh giá một cách tổng thể, ngành game Việt có một số doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng xét toàn ngành thì vẫn chậm vì chưa hình thành được một hệ sinh thái game thực sự, các công ty không đi cùng nhau nên không tận dụng được lợi thế của nhau.

Kỹ sư công nghệ giỏi làm game thì thiếu kinh nghiệm phát hành nên khó tiếp cận đông đảo người dùng, nhà phát hành có kinh nghiệm thì không tìm được nhiều game Việt chất lượng.

Để game trở thành một ngành công nghiệp giá trị cao và có sức cạnh tranh trên thế giới, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao và giá trị kinh tế lớn, Việt Nam cần xây dựng được một đội ngũ nhân sự chất lượng quốc tế và một hệ sinh thái đa dạng, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau.

Theo ông Vũ Quốc Huy, NIC được thành lập để tham gia hỗ trợ vào việc hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước hướng đến phát triển nhanh và bền vững dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

“Với tầm nhìn trở thành hạt nhân cho việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam và hướng đến trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, NIC xác định truyền thông số và ngành công nghiệp game là 1 trong 8 lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp Việt Nam có những bước phát triển đột phá, góp phần vào công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Vũ Quốc Huy nói.

Việt Nam cần khoảng 30 nghìn lao động cho ngành game

Theo ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến Công ty cổ phần VNG, trên thế giới hiện có khoảng 3 tỷ người chơi game, chiếm 40% tổng dân số toàn cầu. Doanh thu từ ngành game toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt mốc 187 tỷ USD, trong đó một nửa doanh số đến từ game mobile và dự kiến sẽ chạm mốc 200 tỷ USD/năm.

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực đóng góp một nửa số người chơi game và một nửa doanh thu ngành game toàn cầu. Tại khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng trung bình của ngành game giai đoạn 2022-2025 đạt khoảng 7,4%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành game toàn cầu. Với những lợi thế này, Đông Nam Á được đánh giá là một thị trường quan trọng, có tốc độ tăng trưởng ngành game cao hàng đầu thế giới, chỉ sau khu vực Trung Đông.

Các nước trên thế giới sẽ ngày càng thừa nhận game là một ngành nghề, thậm chí là môn thể thao trên nền tảng điện tử được đưa vào thi đấu trong nhiều kỳ đại hội thể dục thể thao.

Cùng với sự phát triển của ngành game, doanh thu của thị trường này tiếp tục tăng nhanh khi xu hướng chơi game hướng đến nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau. Đây cũng là ngành đang cập nhật rất nhanh các công nghệ mới của thế giới, như AI, thực tế ảo, Blockchain..., vì vậy doanh thu của các công ty game không hề thua kém các công ty công nghệ.

Ngành game được nhiều quốc gia trên thế giới xác định là một trong những trụ cột của kinh tế số vì những lợi ích của ngành công nghiệp này mang lại không chỉ về doanh thu và lợi nhuận mà còn trực tiếp tác động đến sự phát triển của nhiều ngành khác.

Tại thị trường Việt Nam, số liệu thống kê chính thức từ các bảng xếp hạng được công bố cho thấy doanh thu ngành game năm 2022 đã vượt mốc 500 triệu USD. Tuy nhiên, con số thực tế có thể đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, nếu tính cả tiêu dùng nội địa, cho thấy Việt Nam cũng đang nằm trong xu hướng phát triển chung của ngành game.

Tuy nhiên, ngành game vẫn chưa được thực sự quan tâm. Đại diện các doanh nghiệp game, các chuyên gia thống nhất cho rằng để ngành game Việt Nam phát triển, cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước với trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực.

Việt Nam hiện cần khoảng 30 nghìn lao động cho ngành game, là cơ hội việc làm lớn cho những người trẻ. Hiện một số bộ, ngành đã có tín hiệu tích cực trong việc hỗ trợ ngành game Việt Nam phát triển, trở thành nguồn động viên giúp các doanh nghiệp startup Việt Nam trở thành kỳ lân trong lĩnh vực game.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết để thúc đẩy ngành game phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng cơ chế để hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong ngành; hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất game và phát hành game.

Bên cạnh đó, chính sách của nhà nước cũng hướng đến hỗ trợ kết nối các nhà sản xuất game trong nước với các doanh nghiệp game nước ngoài và hỗ trợ các nhà sản xuất game trong nước kết nối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài.