Đây là sự kiện mang tính lịch sử của ngành thể thao điện tử khi được công nhận ở sân chơi tầm cỡ châu lục và cũng là tin vui cho Việt Nam khi mà eSports đang phát triển vô cùng mạnh mẽ tại mảnh đất hình chữ S trong những năm gần đây.
Tại Asian Games 19, sẽ có 8 nội dung tranh huy chương chính thức và 2 nội dung mang tính biểu diễn. Trước đó, tại ASIAD 2018, eSports lần đầu được tham dự với tư cách là các bộ môn biểu diễn. Việt Nam góp mặt tại đủ 2 nội dung là Liên Quân Mobile và Liên Minh Huyền Thoại. Trong khi tuyển Liên Quân Mobile giành được HCĐ thì tuyển Liên Minh Huyền Thoại phải dừng chân sớm ở vòng bảng.
Những năm gần đây, eSports Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tích đáng nể, gần nhất là năm 2022 như: Vô địch Liên Quân Mobile thế giới tại Arena of Valor International Championship (AIC), HCV PUBG Mobile ở Global Esports Games (GEG), vô địch FIFA Online 4 tại giải đấu FIFAe Continental Cup... Tại SEA Games 32 vừa qua, eSports Việt Nam đã giành được 7 tấm huy chương, trong đó có 1 HCV, 2 HCB và 4 HCĐ. Trước đó, chúng ta cũng xuất sắc đứng nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 với 4 HCV và 3 HCB.
Theo đánh giá của Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), khi ra châu lục, chúng ta phải cạnh tranh với rất nhiều cường quốc mạnh, bởi vậy VIRESA sẽ cử đại diện tham gia thi đấu tại 3 bộ môn tranh huy chương là Liên Minh Huyền Thoại, PUBG Mobile (phiên bản ASIAD) và Liên Quân Mobile: Arena of Valor (phiên bản ASIAD). Trong đó, PUBG Mobile và Liên Minh Huyền Thoại đã sẵn sàng tham dự vòng loại diễn ra vào tháng 6 và tháng 7 để góp mặt tại Hàng Châu vào tháng 9. Còn về phía Liên Quân Mobile, thời gian diễn ra Asian Games 2022 trùng với Đấu Trường Danh Vọng, nên vẫn chưa có danh sách chính thức.
Kể từ ASIAD 2018, thể thao điện tử trong nước đã có những bước tiến mạnh mẽ. Với dân số trẻ, am hiểu công nghệ, Việt Nam đang là một trong những quốc gia giàu tiềm năng phát triển eSports nhất trong khu vực.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2021, ước tính cứ 10 người trẻ thì có hai người chơi game eSports. Còn theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông doanh thu ngành game trong nước đã đạt hơn 7.000 tỷ đồng năm 2021 và tăng lên mốc hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2022.
Tiềm năng phát triển eSports tại Việt Nam là rất lớn. Ảnh | MNG |
Chính vì vậy, đầu tháng 3 vừa qua, với mong muốn xã hội có cái nhìn tích cực hơn về một ngành nghề thể thao mới lành mạnh, 83 VĐV đã được phong cấp Kiện tướng thể thao điện tử nhờ thành tích xuất sắc tại các kỳ đại hội thể thao và giải đấu quốc tế.
Hiện nay, nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... đã đưa thể thao điện tử vào giảng dạy và đào tạo. Tại Việt Nam, các nhà phát hành game hàng đầu đang hỗ trợ xây dựng và phát triển các CLB eSports ở trường đại học. Tuy nhiên, từ việc chơi game đến biến nó thành một hoạt động tạo ra giá trị cho cộng đồng, cho đất nước như việc tham gia giải đấu thể thao chính thức và giành huy chương là một chặng đường rất dài.
Cách đây nhiều năm, eSports vẫn là một khái niệm mơ hồ tại Việt Nam, thậm chí còn bị đánh đồng với những trò chơi không lành mạnh, trong khi các giải đấu thể thao điện tử đã được tổ chức rộng rãi trên thế giới. Đến nay, không chỉ đậm chất công nghệ với xu thế phát triển 4.0, eSports còn tạo ra hệ sinh thái nhiều ngành nghề mới, như huấn luyện viên, trọng tài, sáng tạo nội dung, quản lý truyền thông cùng nhiều vai trò hậu cần khác phục vụ cho công tác tổ chức giải đấu, sự kiện.
Bên cạnh đó là kéo theo sự tăng trưởng của hàng loạt lĩnh vực khác như dịch vụ internet, truyền thông quảng cáo, bán vật phẩm và đặc biệt thúc đẩy công nghiệp phần cứng như máy tính để bàn, laptop, điện thoại di động, các loại chip xử lý, card đồ họa, các thiết bị nghe nhìn phụ trợ. Từ đó, eSports không chỉ trở thành một bộ môn thể thao hiện đại mà còn hình thành nên một ngành công nghiệp có giá trị tỷ đô trong nền kinh tế.
Và với việc chính thức trở thành môn tranh huy chương tại ASIAD 19 sắp tới, eSports đã khẳng định được con đường để phát triển bền vững và đầy lợi nhuận trong tương lai.