F0 uống kháng sinh phòng bội nhiễm phổi có nên hay không?

NDO -

Tổn thương phổi do Covid-19 là tổn thương xơ phổi, kích thích bệnh nhân ho cùng hội chứng trào ngược, do vậy việc dùng kháng sinh phải căn cứ trên xét nghiệm có nhiễm trùng mới dùng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Câu hỏi: Khi nhiễm Covid-19 tôi rất lo lắng bị tổn thương phổi. Tôi có thể uống kháng sinh dự phòng virus tấn công phổi khi ho nhiều không?

Trả lời: 

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Phụ trách điều trị bệnh nhân Covid-19 (Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp), Bệnh viện Thanh Nhàn:

Việc dùng kháng sinh lạm dụng là hoàn toàn không đúng khi điều trị Covid-19. Tổn thương phổi do Covid-19 là tổn thương xơ phổi, kích thích bệnh nhân ho cùng hội chứng trào ngược, do vậy việc dùng kháng sinh phải căn cứ trên xét nghiệm có nhiễm trùng mới dùng.

Nếu ho nhiều, bất kỳ triệu chứng gì cũng cần gặp bác sĩ, thăm khám và chỉ định, không nên tự ý mua kháng sinh. Vì kháng sinh là con dao hai lưỡi, nếu cơ thể không nhiễm trùng thì không mang lại hiệu quả điều trị, thậm chí gây dị ứng, tổn thương men gan, chức năng thận, làm cho bệnh nhân nặng nề hơn trong quá trình hậu Covid-19.

Về lo lắng ho nhiều có thể gây tổn thương phổi, theo tôi, nếu chỉ ho không thì có rất nhiều lý do như: viêm họng, trào ngược dịch dạ dày. Không ít bệnh nhân sau khi mắc Covid-19 còn thêm hội chứng trào ngược; tổn thương tại phổi, tại tim (bệnh nhân ứ huyết ở tim kích thích phổi gây ho…)…

Do vậy, tổn thương ở phổi có phải do Covid-19 hay không cần căn cứ kết quả xét nghiệm thì mới chẩn đoán chính xác được. Bệnh nhân phải đến cơ sở y tế thăm khám, chụp phổi.

Tất cả các trường hợp ho nhiều, ho húng hắng vài tiếng thì không sao, nhưng ho làm bệnh nhân khó chịu, thức giấc giữa đêm, hoặc khó thở và nhiều triệu chứng thì bắt buộc phải vào viện thăm khám.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan