Câu hỏi: Con trai tôi nặng 90 kg nhiễm Covid-19. Tôi nghe nói béo phì sẽ có nguy cơ cao diễn biến nặng khi nhiễm Covid-19, gia đình tôi cần lưu ý chăm sóc cháu thế nào?
Trả lời:
BSCKI Ngô Cao Ngọc Điệp, Khoa Dinh dưỡng-Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh:
Người cao tuổi có nguy cơ phải nhập viện do Covid-19 cao nhất, nhóm thứ hai chính là người béo phì.
Coivd-19 có thể gây ra các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng hơn ở những người trên 65 tuổi, và những người có tình trạng sức khỏe mạn tính, bao gồm cả bệnh béo phì. Người bệnh Covid-19 bị béo phì có nguy cơ tử vong cao hơn những người không bị béo phì.
Đặc biệt, sự hiện diện của bệnh béo phì khiến cho nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng tăng lên gấp ba lần, và thời gian nằm viện cũng bị kéo dài hơn.
Người bệnh béo phì mắc Covid-19 là đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng rất nhanh.
Trường hợp đang được theo dõi, điều trị tại nhà, người bệnh cần nghiêm túc thực hiện theo các hướng dẫn của y tế địa phương và thảo luận với nhân viên y tế về tất cả các liệu pháp điều trị bệnh lý nền (nếu có).
Việc đạt được chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người béo phì đang nhiễm Covid-19 rất quan trọng. Trong thời gian nhiễm bệnh, người bệnh nên đạt được chế độ ăn đủ dưỡng chất, nhất là chất đạm từ cá, thịt nạc, đậu, sữa tách béo….
Người bệnh cần ăn đủ rau xanh để cung cấp vitamin và khoáng chất, vi chất. Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm hoạt động của hệ miễn dịch làm việc hiệu quả, đẩy lùi Covid-19.
Bên cạnh đó, các triệu chứng như mất vị giác, mệt mỏi khi nhiễm bệnh sẽ khiến người bệnh ăn không ngon, nhạt miệng, vì vậy thiếu vitamin và vi chất trong thời gian bệnh là có thể xảy ra.
Nếu đánh giá người bệnh ăn uống kém, bác sĩ điều trị có thể chỉ định bổ sung vitamin C, D, kẽm… giúp hệ miễn dịch hoạt động ổn định, tuy nhiên khuyến cáo nguồn bổ sung ưu tiên là từ thực phẩm.